Tin tức
Hội thảo Vai trò của quản trị rủi ro trong quản trị, quản lý trường đại học
[ Cập nhật vào ngày (28/06/2024) ]

Ngày 27/6, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ tổ chức Hội thảo Vai trò của quản trị rủi ro trong quản trị, quản lý trường đại học. Hội thảo nhằm cung cấp cho viên chức đang giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý của Trường các kiến thức liên quan đến quản trị rủi ro trong cơ sở giáo dục đại học, nhận ra vai trò và tầm quan trọng của quản trị rủi ro trong quản trị, quản lý Trường đại học.


01-43.jpg

PGS.TS Nguyễn Thành Tấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phát biểu

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Tấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, quản trị rủi ro trong một trường đại học, đặc biệt ở Trường Đại học Y Dược Cần Thơ là vấn đề rất mới, còn đang bỏ ngỏ. Quản trị như thế nào, cần có những giải pháp gì để giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là những rủi ro có thể ảnh hưởng đến "sức khỏe" của một đơn vị như rủi ro về chính sách, pháp luật hay rủi ro tầm nhìn chiến lược và nhiều rủi ro khác. Trong đó, có những rủi ro nhỏ chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, một nhóm người nhưng cũng có những rủi ro ảnh hưởng đến cả tập thể hoặc cả trường. Do đó, đây là vấn đề mà tất cả các trường đại học đều quan tâm.

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Tấn, qua đợt kiểm định chất lượng của Trường vừa qua, nhiều thầy cô đã lần đầu tiên được nghe và tiếp cận với khái niệm quản trị rủi ro. Muốn quản trị thành công thì không thể không nhắc đến quản trị rủi ro. Do đó, buổi hội thảo này không chỉ có ích cho Trường Đại học Y Dược Cần Thơ mà còn có ích cho tất cả những ai quan tâm đến vấn đề này.

Thầy Nguyễn Thành Tấn mong muốn các thầy cô tham dự hội thảo tập trung nghiên cứu để có thể vận dụng trong quá trình công tác của mình để giúp cho bản thân, nhà trường hạn chế tối đa những rủi ro có thể gặp phải và có thể nhận diện sớm nguy cơ rủi ro để giảm thiểu hậu quả, qua đó giúp nhà trường phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe PGS.TS Lê Ngọc Quỳnh Lam, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trình bày các khái niệm liên quan đến rủi ro, quy trình quản lý rủi ro và các chiến lược ứng phó với rủi ro trong môi trường đại học.

01-42.jpg

PGS.TS Lê Ngọc Quỳnh Lam, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hành xây dựng các kế hoạch quản trị rủi ro cho các cơ sở giáo dục

Theo PGS.TS Lê Ngọc Quỳnh Lam: "Quản lý rủi ro là một phương pháp có hệ thống giúp ứng phó với các rủi ro nhằm cực tiểu các tác động tiêu cực và tận dụng các lợi ích từ các tác động tích cực". Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro trong việc "giúp cơ sở giáo dục dự đoán, điều hướng các thách thức, bảo vệ danh tiếng, tài sản, nguồn lực". Bên cạnh đó, quản lý rủi ro còn giúp các cơ sở giáo dục đưa ra các quyết định sáng suốt và thúc đẩy văn hóa tổ chức vững mạnh, tốt đẹp.

Hội thảo đã giới thiệu quy trình quản lý rủi ro gồm 4 bước chính: xác định rủi ro, phân tích/đánh giá rủi ro, hoạch định chiến lược ứng phó rủi ro và giám sát & kiểm soát. PGS.TS Lê Ngọc Quỳnh Lam đã hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện từng bước trong quy trình này. Đặc biệt, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xác định và phân loại rủi ro, sử dụng các phương pháp như brainstorming, phỏng vấn, khảo sát và phân tích hệ thống, đồng thời chia sẻ về ma trận rủi ro và các chiến lược ứng phó như ngăn ngừa, chuyển giao và giảm thiểu rủi ro.

Một công cụ quan trọng được giới thiệu trong hội thảo là ma trận rủi ro, giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của rủi ro dựa trên tác động và khả năng xảy ra. PGS.TS Lê Ngọc Quỳnh Lam cũng chia sẻ về các chiến lược ứng phó rủi ro, bao gồm các biện pháp chủ động nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro; Chuyển rủi ro cho bên thứ ba thông qua bảo hiểm, hợp đồng hoặc thỏa thuận; Thực hiện các biện pháp kiểm soát, biện pháp bảo vệ và kế hoạch dự phòng.

Hội thảo cũng thảo luận về các rủi ro cụ thể mà các cơ sở giáo dục đại học có thể gặp phải, bao gồm: Rủi ro liên quan đến chiến lược phát triển, rủi ro tuân thủ, rủi ro hoạt động, rủi ro tài chính và rủi ro uy tín. Đặc biệt, trong bối cảnh Giáo dục 4.0, các rủi ro liên quan đến an toàn thông tin được nhấn mạnh, bao gồm rủi ro về dữ liệu, công nghệ, thủ tục và quy trình giao dịch, cũng như các vấn đề pháp lý liên quan đến an toàn thông tin.

Theo chương trình, sau khi hoàn thành, người tham dự sẽ được trang bị các kỹ năng để nhận diện được các rủi ro và thách thức đối với cơ sở giáo dục đại học, xây dựng và triển khai các kế hoạch quản lý rủi ro trong nội bộ đơn vị.




Thùy Trang



Các ý kiến của bạn đọc





Liên kết

 

 

 

 

 

tiện ích