Nhật ký sinh viên tình nguyện - COVID-19
Nhật Ký Tình Nguyện: Ông lão nhặt ve chai và sinh viên tình nguyện chốt kiểm dịch Cái Cui
[ Cập nhật vào ngày (21/04/2020) ]

Tôi gặp Ông vào 11 giờ trưa giữa cái nắng oi ả của tháng Tư, những cơ gió tưởng chừng như khỏa lắp lại mang kèm theo sức nóng làm uể oải mọi người, khi ấy tôi khoác trên mình chiếc áo Blouse trường Đại Học Y Dược Cần Thơ làm nhiệm vụ ở chốt kiểm dịch Cảng Cái Cui.


Cần Thơ, ngày 19 tháng 4 năm 2020

Tôi gặp Ông vào 11 giờ trưa giữa cái nắng oi ả của tháng Tư, những cơ gió tưởng chừng như khỏa lắp lại mang kèm theo sức nóng làm uể oải mọi người, khi ấy tôi khoác trên mình chiếc áo Blouse trường Đại Học Y Dược Cần Thơ làm nhiệm vụ ở chốt kiểm dịch Cảng Cái Cui. Đường phố Cần Thơ lúc này đã vắng dần xe cộ vì cái nắng cháy da và Chỉ thị số 16 của Chính phủ do ảnh hưởng của bệnh dịch, chỉ còn thưa thớt một vài chiếc xe của cán bộ khu công nghiệp gần đó trở về nhà nghỉ trưa. Ấy vậy mà Ông vẫn dáng vẽ gầy gò, lưng còng, cắm cúi đi nhặt từng chiếc chai nhựa, tấm bìa carton hay mẫu giấy ai đó vừa bỏ lại cho vào bao tải.

Ông đã ngoài 70, răng đã rụng gần hết, chân trái lại bị tật và vác một cái bao tải mà tôi cảm nhận nó to hơn cả người Ông. Ông luôn cười lạc quan và tỏ ra thư thái. Nhưng sâu trong đôi mắt Ông chất chứa điều gì đó mà tôi không biết, tôi chỉ biết ánh mắt ông rưng rưng. Ông tiếp tục nhặt, tiếp tục nhặt và ông tiếp tục cười. Đang nhặt Ông ngồi lại một chổ, Ông mệt rồi… tôi biết! Tôi quên luôn việc mình đang khoác áo Blouse làm nhiệm vụ mà lao ra giúp Ông không chút do dự. Tôi nhặt trong thùng rác từng cái chai, mãnh giấy, từng cái ly nhựa đổ hết nước thừa để Ông vác đỡ nặng, cố nhặt thêm vài cái nút chai, vài cái vỏ lon Yakult để Ông bán được càng nhiều càng tốt.

image001.jpg

Ông và Tôi cùng nhau chất đầy bao tải

Những hình ảnh trên vô tình lọt vào ống kính của anh Thành một sinh viên năm cuối trường Đại Học Y Dược Cần Thơ đang tham gia chiến dịch tình nguyện tại chốt. Những khoảng khắc bình dị ấy được anh ghi lại và chia sẻ lên mạng xã hội lúc nhìn lại khiến tôi không khỏi xúc động. Anh Thành chia sẻ “Anh gặp Ông vào ngày đầu tiên trực ở chốt, khi trời mới tờ mờ sáng lúc nhiều người vẫn còn đang ngon giấc thì Ông đã vác bao tải đi nhặt ve chai. Ở chốt có bao nhiêu chai nhựa, lon nước thì cố gắng gom cho Ông, nhiều khi còn soạn ít đồ ăn mà chốt có sẵn gửi Ông mang về. Thấy Ông mừng và vui lắm!”

Ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” đáng lý ra Ông đang ở nhà được vui vầy bên con cháu, an hưởng tuổi già chứ không phải vất vả mưu sinh đi từng ngõ ngách để nhặt nhạnh từng chút ve chai một. Một tài khoản tên Minh Tâm chia sẻ “Ở ngay cột đèn đỏ nhà Văn hóa Thiếu nhi Cần Thơ hay thấy ông lục trà sữa trong bọc rác để uống, có hôm Ông moi ra được trái dưa hấu bị thối rồi ăn hết trái dưa hấu đó luôn. Thấy thương lắm!”

Nghe đến đây tôi lặng người tay run run. Tôi muốn khóc vì cảm thương cho Ông, cảm thương cho số phận một con người. Nhưng không..! tôi xấu hổ và tôi cũng thấy ở Ông một cái gì đó rất lạc quan, Ông vẫn cười, sao tôi có thể khóc được? và cứ thế tôi và ông cùng nhau nhặt đầy bao tải ve chai. Một chị sinh viên tình nguyện ở chốt cũng nhặt phụ và hỏi ông “sao Ông không đem theo một cái bao tải nữa để nhặt được nhiều hơn?” Ông nhìn chị cười và nói “Ông già rồi vác không nổi!” một giọng nói thật thà và trầm ấm của một ông lão miền Tây. Bao tải Ông mang theo đã đầy nhưng còn sót lại vài chai nhựa nên chị soạn cho Ông thêm một bao tải nhỏ có sẵn ở chốt. Tôi bước vào trong lấy một chai Bocalex được ướp lạnh trong thùng đá rồi mở nắp ra mời Ông “Ông uống đi cho khỏe” và tôi cũng uống vội hết phần nước còn trong chai mà mình đang sử dụng để Ông được thêm một cái chai nữa. Ông uống một chút “Ông già rồi uống không hết” rồi vặn nút chai lại cẩn thận cất đi.

image003.jpg

Sinh Viên trường ĐHYD Cần Thơ chung tay giúp đỡ Ông

image005.jpg

Chị soạn thêm cho Ông một cái bao tải nữa để mang về

Chiếc lưng vốn đã còng nay lại càng còng hơn vì ngày nào cũng phải khom lưng cúi mình nhặt rác. Ông đã lớn tuổi sức khỏe cũng ngày một yếu đi sao có thể cuối mãi xuống được. Vậy mà ông vẫn cúi, vẫn nhặt từng mãnh rác từng cái túi nylon mà mọi người bỏ lại. Thiếu thốn là thế, cơ cực là thế nhưng khi đi nhặt ve chai Ông vẫn trang bị cho mình một chiếc khẩu trang để bảo vệ bản thân và xã hội. Ông hiểu được mức độ nguy hiểm của bệnh dịch và sự cần thiết của việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà trong khi một số người còn rất thờ ơ, lơ là (khi chúng tôi trực chốt có nhiều người không đeo khẩu trang được lực lượng của chúng tôi nhắc nhở lại đưa ra đủ mọi lý do để giải thích nhằm che đi sự thiếu trách nhiệm đối với bản thân và xã hội trong hoàn cảnh cả nước đang chung tay đẩy lùi đại dịch).

Tôi hỏi ông “mai Ông có quay lại nữa không?” với ý định muốn chuẩn bị một cái gì đó để giúp đỡ cho Ông. Ông nhìn tôi với ánh mắt rưng rưng “Ông cũng không biết nữa..! bữa nào khỏe thì đi còn mệt quá ông đi không nổi” rồi Ông khập khiễng bước đi do chân trái bị tật và một bao tải lớn trên lưng. Ông quay lại chào tôi, bàn tay đen sạm, chằng chịt những vết xước cùng đôi chân hao gầy ngày ngày lê bước kiếm sống trên từng con phố nhỏ. Nhìn hình dáng Ông xa dần để lại trong tôi nhiều tâm tư về những mãnh đời cơ cực vất vả mưu sinh đến tận tuổi xế chiều.

image007.jpg

Ông khập khiểng bước đi

 

Không biết, rồi Ông sẽ đi về đâu, nhưng đâu đó trong thành phố này, giữa nhịp sống hối hả, Ông cụ hàng ngày vẫn lặng lẽ mưu sinh, mang trên lưng một cái bao tải ve chai để kiếm những đồng tiền ít ỏi và trên mặt trận chống dịch COVID-19, sẽ có một câu chuyện mang đậm tình người. Nếu có cơ hội tôi chắc chắn sẽ sắp xếp thời gian quay lại thăm Ông và hỗ trợ Ông trong khả năng có thể. Tôi viết bài này với mong muốn sẽ có nhiều người biết đến và giúp đỡ cho Ông không chỉ về vật chất mà cả tinh thần. Đồng thời nâng cao ý thức, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội, Cùng chung tay đẩy lùi đại dịch thông qua câu chuyện “Ông Lão Đeo Khẩu Trang Đi Nhặt Ve Chai” và hy vọng đại dịch sẽ qua đi, người người bình an, nhà nhà hạnh phúc rồi mọi việc sẽ trở lại bình yên như lúc đại dịch chưa diễn ra, cả thế giới chưa biết đến cái tên CORONA./.





Viết bài: Chí Tâm – Hình ảnh: Tấn Thành (Ông Đồ)



Các ý kiến của bạn đọc





Tiện ích