Tin tức
Sài Gòn gọi tên tôi!
[ Cập nhật vào ngày (23/10/2021) ]

Khi nhắc đến Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), mọi người sẽ nghĩ ngay đến một nơi vô cùng náo nhiệt, đông đúc và sa hoa - một thành phố của sự tấp nập. Nhưng một ngày không mấy là đẹp trời, một đại dịch mang tên Covid-19 đến với thành phố mang tên Bác.


Khi nhắc đến Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh), mọi người sẽ nghĩ ngay đến một nơi vô cùng náo nhiệt, đông đúc và sa hoa - một thành phố của sự tấp nập. Nhưng một ngày không mấy là đẹp trời, một đại dịch mang tên Covid-19 đến với thành phố mang tên Bác. Và rồi một ca, hai ca, ba ca,… sau đó là hàng chục ngàn ca nhiễm mỗi ngày, số ca nhiễm lẫn tử vong tăng lên một cách chóng mặt. Trước tình hình đó, ngành Y tế địa phương đã có những hành động mạnh mẽ, quyết tâm chiến đấu với đại dịch cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các Bộ ngành liên quan. Cuộc chiến không dừng lại ở đó, Covid-19 đã lấy đi bao nhiêu nhân lực, vật lực, tài lực,… của thành phố. Như câu:

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”,

Sài Gòn đã lên tiếng, cả nước sẽ đồng lòng giúp đỡ. Không ngồi yên chờ đợi, Bộ Y tế gửi lời kêu gọi các Trường Đại học Y Dược cả nước tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Thực hiện theo lời kêu gọi của Bộ Y tế, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã hửng ứng nồng nhiệt. Sau 01 ngày huy động, nhà Trường đã nhận được hàng trăm lượt đăng ký tình nguyện của cán bộ và học viên, sinh viên Trường sẵn sàng tham gia.

Nhận được lời kêu gọi đó từ nhà Trường, trong tôi bắt đầu có những suy nghĩ khôn nguôi. Cũng như bao người, nỗi sợ Covid-19 sẽ hiện diện một phần nào đó trong đầu tôi. Và hơn thế, là một người con yêu gia đình, tôi lại có sự lo lắng, lo cho sức khỏe cha mẹ trước dịch bệnh, sợ cha mẹ có thêm những vết chân chim, những đêm không ngủ khi tôi tham gia hỗ trợ ở tuyến đầu,… Nhưng vượt lên tất cả, với tinh thần là một nhân viên y tế, tôi nhận ra rằng mình cần phải góp một chút sức hòa cùng dòng chảy hy vọng chiến thắng đại dịch Covid-19 của toàn dân. Trưa ngày 27/08/2021, xe bắt đầu lăn bánh đưa tôi đến với Sài Gòn hoa lệ cùng đoàn Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (tôi quyết định không báo với cha mẹ - “mong cha mẹ thứ lỗi cho con, con thương cha mẹ rất nhiều”).

Và như thế, chiều ngày 27/08/2021, Sài Gòn – quận 4 chào đón tôi, một cảnh tượng êm đềm, không hề ồn ào, náo nhiệt như đã có bao trùm lấy cả đoàn chúng tôi. Nhưng sự tinh nghịch của các em sinh viên lúc đến địa điểm nghỉ ngơi đã xua tan vẻ tĩnh lặng ấy. Tuy có chút mệt mỏi, tôi vẫn thấy vui vì niềm hân hoan và phấn khởi của các em sinh viên đã lan truyền cho tôi. Tối đến, một đêm lạ giường và suy nghĩ miên man ôm lấy giấc ngủ tôi: không biết công việc sẽ như thế nào, mọi người ở trạm y tế có niềm nở (vì đoàn quận 4 chia đội làm việc theo từng phường), công việc có thuận lợi như mong muốn, lịch trình làm việc, giờ giấc làm việc, người dân có hợp tác, phương tiện bảo hộ có đảm bảo an toàn,… Bao suy nghĩ đó đã làm tôi có những phút yếu lòng, nhưng nó được dập tắt ngay bằng chính niềm khát khao chiến thắng Covid-19 của tuổi trẻ.

Sáng 8 giờ ngày 28/08/2021, tôi có mặt tại Trạm Y tế phường 9 quận 4, niềm háo hức lẫn một chút lạ lẫm ghé thăm tôi. Và nụ cười thân thiện của chị Oanh (Phó Trưởng Trạm) như chào đón tôi (chắc hẳn phía trước sẽ có nhiều điều tuyệt vời). Đội chúng tôi được chị Oanh phân bổ công việc lấy mẫu xét nghiệm, đi cùng chị Trang (nhân viên của Trạm). Chị Trang, tôi chưa gặp lần nào mà như đã quen biết nhau bởi chị rất cởi mở, hòa đồng. Chị dạy cho chúng tôi những điều chị biết và học hỏi được từ các chiến dịch lấy mẫu lần trước, kể về người dân nơi đó, về các anh chị trong Trạm,… Những điều này đã xóa tan nỗi sợ và tiếp thêm sức mạnh cho tôi. Tôi sốt sắng bắt tay vào việc đi đến từng hộ gia đình lấy mẫu với sự chuẩn bị tốt về tinh thần và vật chất.

image001.jpg 

Đội ngũ y tế phường 9-quận 4

Mọi việc dường như không thuận lợi như tôi đã nghĩ, đội chúng tôi gặp một số vấn đề. Bởi vì việc lấy mẫu ở mũi sẽ gây khó chịu, thêm bị lấy mẫu nhiều lần, một số cô, chú lớn tuổi giận, to tiếng, thậm chí là từ chối test nhanh. Vâng, tôi rất thông cảm và hiểu cho cô, chú (đặt tôi ở trường hợp đó, tôi chắc cũng sẽ như vậy). Thế nên, vẫn bằng giọng nói ấm áp và nhẹ nhàng, tôi đáp lại : “Dạ cô, chú ơi! Cô, chú vui lòng cho tụi con lấy mẫu xét nghiệm ạ!”. Một lần, hai lần, ba lần, tôi cũng mời được cô, chú ra ngoài để test nhanh. Và những cơn mưa bất chợt của tháng 9 tưởng chừng làm tôi gục ngã nhưng lại giúp tôi thêm mạnh mẽ. Còn những ngày nắng như đổ lửa lại giúp tôi thêm dẻo dai. Tất cả dường như được bù đắp bằng những câu động viên, khích lệ : “Các cháu giỏi thật đấy!”, “Vùng xanh nơi đây có một phần công sức của các con.”, “Các con cố lên nhé!”,… của các anh, chị, cô, chú dễ thương nơi đây.

Tôi quen dần với công việc và mọi người ở Trạm, nỗi nhớ nhà, sự xa cách, băn khoăn được thay thế cho tiếng cười và sự bận rộn. Ngày 07/09/2021, quận 4 có chiến dịch tiêm vacxin lưu động, tôi được cử đi. Tôi được hòa nhập vào đội hình mới. Đây là điều thật tuyệt vời vì đúng như mong muốn ban đầu của tôi là tiêm vacxin phòng Covid-19 cho người dân. Mỗi đội tiêm sẽ có 05 thành viên được phân bố xuống các phường. Tôi rất tự tin và tâm huyết vì trước đó tôi đã làm công việc như vậy nên cũng rất nhanh để thích nghi.

image001.jpg 

Lê Diệu Ngân trong Chiến dịch tiêm vacxin lưu động lần 1

Nhiều anh, chị sợ đau, không chịu tiêm, tôi cố gắng động viên. Những cô, chú có suy nghĩ không hay về các loại vacxin Covid, tôi kiên nhẫn giải thích rõ. Tôi cũng không quên dặn dò các triệu chứng và tự theo dõi tại nhà cho họ biết. Và khi nhận lại những câu: “Cảm ơn!” và vẻ mặt tươi cười, tôi đã thấy vui cả ngày.

image001.jpg 

Một góc điểm tiêm lưu động tại phường 3-quận 4

Ấy thế, từng phường tôi đi qua đều để lại chút kỉ niệm. Còn các em sinh viên chung đội thì làm việc rất ăn ý nhau, phân chia công việc rõ ràng cụ thể. Chị Thảo (chị phụ trách chung) hỗ trợ đội hết lòng, điều phối, giải quyết khó khăn vòng ngoài không chê vào đâu được. Cứ như thế, chiến dịch này kết thúc, mỗi người trở về với công việc ban đầu nhưng tôi nghĩ sẽ có ngày lại tái ngộ.

 

image001.jpg 

image001.jpg

Đội 3 trong Chiến dịch tiêm vacxin lưu động lần 1

Sau 06 ngày tạm xa, tôi trở về phường 9 với việc lấy mẫu xét nghiệm. Các anh, chị ở Trạm Y tế vẫn luôn chào đón tôi. Ở đây, không chỉ có đơn vị Trường Đại học Y Dược Cần Thơ mà còn nhiều đơn vị khác tham gia hỗ trợ như Học viện Quân Y, Cao đẳng Bạch Mai, Đại học Y Dược TPHCM,... Không rụt rè như lúc ban đầu, tôi nhanh nhẹn bắt chuyện với các bạn. Thật đáng quý! Các bạn không ngại khoảng cách về địa lý, một lòng hướng về Sài Gòn. Bỏ sang một bên những nhu cầu và lợi ích bản thân, giờ đây tôi và các bạn chỉ có chung một mục tiêu, đó là hỗ trợ “làm xanh thành phố mang tên Bác”. Nhưng không vì thế mà nhiệm vụ của chúng tôi bị áp lực. Các bạn dừng như luôn có sẵn một nguồn năng lượng tích cực cộng thêm khiếu hài hước (“Hôm nay tớ không bắt được sâu nào!”, “Hôm nay tớ đi phát kẹo đây!”), công việc vì thế trở nên thật ý nghĩa và thoải mái. Thế nên, tôi thấy bản thân thật may mắn khi được quen biết các bạn và được sinh ra, lớn lên ở dải đất hình chữ S xinh đẹp – dải đất thấm đượm tinh thần dân tộc và tình đoàn kết.

 

 image001.jpg

image001.jpg

Chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng

Chiến dịch tiêm vacxin nữa gọi tôi trở lại. Lần này, đội hình chúng tôi giảm còn 03 thành viên. Đợt tiêm này đặc biệt có ý nghĩa với tôi bởi người được tiêm là ông, bà cụ lớn tuổi, đi lại khó khăn hay không đi lại được (chúng tôi đi đến từng nhà). Ngày 20/09/2021, tôi bắt tay vào công việc. Việc đi đến từng nhà tưởng chừng đơn giản nhưng nó không phải là điều giản đơn ở đất Sài Gòn. Đúng như câu “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, có ngày đội tôi phải mất thời gian đến chiều tối mới hoàn thành công việc. Sự khó khăn trong việc tìm địa chỉ, bị từ chối tiêm vacxin Covid, cái thất thường của thời tiết và trong trang phục phòng hộ cá nhân, tôi như bị gục ngã. Chính những nụ cười trên môi các ông, bà cụ và những câu hỏi thăm thân thiện của gia đình họ đã giúp tôi có thêm động lực tiếp tục chặng đường chông gai này.

 image001.jpg

Chiến dịch tiêm vacxin lưu động tại nhà

Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến các anh, chị bên Tổ dân phố đã nhiệt tình dẫn đường cho đội tôi. Và thật tự hào về các em sinh viên đi cùng! Tôi biết các em rất mệt, nhưng lại không hề than vãn hay khó chịu mà sâu trong đôi mắt ấy của các em là niềm khát khao được giúp đỡ mọi người.

Thấm thoát đã hết chiến dịch trên, ngày 25/09/2021, tôi trở về với Trạm trong niềm hân hoan. Vẫn với công việc ấy, vẫn cùng tác chiến với mọi người, nhưng mỗi khi về với Trạm, tôi lại mang trong lòng một điều mới mẻ khác nhau. Một phần tôi được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh cuộc sống, một phần tôi được quen thêm nhiều bạn mới, đồng đội mới. Tất cả cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Và thế là thật nhanh, những bản tin Sài Gòn về số ca nhiễm đang giảm xuống, số ca điều trị khỏi tăng lên, tỉ lệ người được tiêm vacxin phòng Covid-19 tăng lên. Thành phố dần lấy lại màu xanh vốn có và bắt đầu có những chỉ thị mới trong giao thương, đi lại. Đó cũng là lúc Đoàn chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ và trở về Cần Thơ học tập, làm việc. Ngày 30/09/2021, đội tôi chia tay Trạm Y tế phường 9 trong sự tiếc nuối và lưu luyến của mọi người. Tuy chỉ hơn 01 tháng, tôi và mọi người đã xem nhau như gia đình. Sự bịn rịn là tất nhiên, bởi những con người ở đây luôn tràn ngập tình thương, đối xử với nhau bằng chính tấm lòng, làm việc với nhau bằng sự chia sẻ kinh nghiệm. Chắc hẳn, đây sẽ là khoảng thời gian mà mọi người không thể quên được – đầy ắp những kỉ niệm chỉ có thể khiến người ta tự hào khi nhớ về.

Đến giờ, tôi không thể nào tin được tôi đã tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi tuyến đầu như vậy. Sau chuyến tình nguyện này, tôi chỉ mong có thể quay lại Sài Gòn để có thể tiếp tục tham gia tác chiến, góp phần nhỏ trả lại màu xanh cho thành phố. Đây chính là bước ngoặt tuyệt vời trong đời tôi, giúp tôi trưởng thành thêm, rèn luyện tinh thần thép và sức khỏe dẻo dai. Tôi cũng rất tự hào và xúc động về Trường ĐHYD Cần Thơ đã không ngại khó khăn, nhiệt tình tham gia hỗ trợ Sài Gòn và khi tôi cũng là một thành viên trong gia đình chung. Khi nghĩ lại, tôi thấy bản thân thật may mắn vì được học tập tại Trường và giờ đây tôi được làm việc tại Bệnh viện Trường – một nơi luôn cống hiến hết mình vì những giá trị nhân văn.

image001.jpg 

Ngôi nhà chung trong chuyến hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại Sài Gòn







Lê Diệu Ngân – Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ



Các ý kiến của bạn đọc





Liên kết

 

 

 

 

 

 

 

tiện ích