Khoa Y tế công cộng tham dự Hội nghị Quản lý Hành chính năm 2024
Lượt xem: 161
Ngày 29/8, tại thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (ĐHYDCT) tổ chức Hội nghị Quản lý hành chính năm 2024. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Đoàn chủ tọa, bao gồm PGS.TS Nguyễn Minh Phương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; GS.TS Nguyễn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường ĐHYDCT cùng các thành viên khác trong Ban Giám hiệu nhà trường. Khoa Y tế công cộng có 07 đại biểu tham dự gồm TS Lê Minh Hữu - Trưởng Khoa, TS Nguyễn Tấn Đạt - Phó Trưởng Khoa, ThS Nguyễn Ngọc Huyền - Chánh VPK, CN Bùi Thị Bích Thủy - Trợ lý Hành chính, PGS TS Lê Thành Tài - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, ThS Trần Nguyễn Du - BCH Công đoàn Trường, ThS Lê Trung Hiếu - Ban Thường vụ Đoàn Trường.
KHOA Y TẾ CÔNG CỘNG THAM DỰ HỘI NGHỊ
QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NĂM 2024
Hội nghị năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu chặng đường phát triển của Trường ĐHYDCT trong giai đoạn 2021-2025 theo Kế hoạch phát triển đã được phê duyệt. Đây cũng là dịp để nhà trường đánh giá lại kết quả thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 01-NQ/ĐU ngày 05/6/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ Trường và Nghị quyết số 04/NQ-ĐHYDCT-HĐT ngày 10/11/2023 của Hội đồng Trường.
Đoàn chủ tọa Hội nghị quản lý hành chính
Tại Hội nghị, PGS.TS Trần Viết An – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHYDCT đã trình bày báo cáo tổng kết về tình hình thực hiện một số công tác chính của Trường. Báo cáo đã điểm qua những kết quả nổi bật trên các mặt công tác, bao gồm:
Về công tác đào tạo đại học, Trường hiện đang đào tạo 11 ngành trình độ đại học bao gồm hệ chính quy và liên thông chính quy. Từ năm 2020 đến nay, Trường đã mở thêm 3 ngành mới là Hộ sinh, Kỹ thuật Hình ảnh y học và Kỹ thuật Y sinh. Quy mô đào tạo đại học hiện tại đạt 10.489 sinh viên, dự kiến sau đợt tuyển sinh năm 2024 sẽ đạt 11.500 sinh viên. Trường cũng đã nghiệm thu 100% giáo trình cho các học phần đào tạo đại học và xuất bản 74,3% thành sách.
Đối với đào tạo sau đại học, Trường hiện có 86 mã ngành đào tạo, bao gồm 6 ngành tiến sĩ, 11 ngành thạc sĩ, 22 ngành chuyên khoa cấp II, 16 ngành bác sĩ nội trú, và 31 ngành chuyên khoa cấp I. Từ năm 2020 đến nay, Trường đã mở mới được 19 mã ngành đào tạo sau đại học. Quy mô đào tạo sau đại học hiện tại đạt trên 4.000 học viên.
Về công tác nghiên cứu khoa học, giai đoạn 2021-2025, Trường đã triển khai và nghiệm thu 570 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp. Đặc biệt, Trường đã công bố 1.764 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, trong đó có 384 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế. Tạp chí Y Dược học Cần Thơ của Trường cũng duy trì xuất bản định kỳ hàng tháng và được công nhận tính điểm công trình.
PGS.TS Trần Viết An – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trình bày báo cáo tổng kết về tình hình thực hiện một số công tác chính của Trường
Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, Bệnh viện Trường ĐHYDCT đã phát triển mạnh mẽ với quy mô hiện tại 278 giường bệnh (292 giường thực kê). Bệnh viện đã triển khai tổng cộng 10.172 kỹ thuật được Bộ Y tế phê duyệt, trong đó có 786 kỹ thuật thuộc nhóm Bệnh viện hạng 1 và hạng đặc biệt. Bệnh viện cũng đã đầu tư phát triển về chuyên môn, trang thiết bị, cơ sở vật chất, tập trung phát triển các kỹ thuật mũi nhọn.
Về công tác đảm bảo chất lượng, Trường đã có 6/9 chương trình đào tạo đại học được công nhận đạt chuẩn chất lượng. Trường cũng đã tham gia bảng xếp hạng UI Green metrics và đạt thứ hạng 300 tại Châu Á năm 2023. Đặc biệt, Trường đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo chu kỳ II giai đoạn 2024-2029 và được xếp hạng 245 trong khu vực Đông Nam Á theo bảng xếp hạng Webometrics tháng 7/2024.
Về công tác tổ chức và phát triển nguồn nhân lực, Trường đã kiện toàn cơ cấu tổ chức các đơn vị, thành lập mới và tổ chức lại nhiều đơn vị. Trường cũng đã tích cực triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Hiện tại, 88,2% cán bộ giảng có trình độ sau đại học, 28,3% có trình độ tiến sĩ.
Về công tác tài chính, nguồn thu của Trường tăng trưởng ổn định với mức tăng trung bình 16,9%/năm. Trường cũng thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên trung bình 5,8%/năm. Đặc biệt, thu nhập của viên chức và người lao động tăng trung bình 13,7%/năm.
Về công tác cơ sở vật chất, Trường đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng quan trọng như Bệnh viện Trường ĐHYDCT giai đoạn 1 (400 giường), Trung tâm học liệu, Nhà Hiệu bộ, Nhà thi đấu đa năng. Ngoài ra, Trường còn được phê duyệt Dự án nâng cấp hướng đến trường Đại học trọng điểm quốc gia với tổng mức đầu tư 249 tỷ đồng từ ngân sách trung ương.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Theo PGS.TS Trần Viết An, Trường ĐHYDCT đã đạt được 41/65 chỉ tiêu (63,1%) đề ra trong hai Nghị quyết số 01-NQ/ĐU và số 04/NQ-ĐHYDCT-HĐT. Đây là một kết quả đáng khích lệ, thể hiện sự nỗ lực và phát triển vượt bậc của nhà trường trong giai đoạn vừa qua.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo các Khoa, đơn vị trực thuộc Trường trình bày báo cáo tham luận về các nội dung: Đào tạo đại học (TS Phạm Kiều Anh Thơ, Trường Phòng Đào tạo Đại học); lĩnh vực Đào tạo sau Đại học (PGS.TS Võ Huỳnh Trang, Trưởng Phòng Đào tạo sau Đại học); lĩnh vực Khoa học công nghệ (PGS.TS Võ Thị Ngọc Vân – Trưởng Phòng Khoa học công nghệ); lĩnh vực Tổ chức – nhân sự (ThS. Hà Bảo Trân, Phó Trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ); lĩnh vực cơ sở vật chất (ThS. Huỳnh Trường Hiệp, Phó Trưởng phòng Quản trị - Thiết bị); đồng thời thảo luận, cho ý kiến rà soát, điều chỉnh Kế hoạch phát triển Trường giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phạm Văn Tác, nguyên Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho rằng, hiện nay số lượng trường đại học đang tăng nhanh nhưng chất lượng chưa tương xứng, các đại biểu dự hội nghị đã nhận thấy đây là vấn đề cần phải được cải thiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó là vấn đề về chất lượng và số lượng giảng viên, cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đãi ngộ để thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên giỏi.
Việc tăng cường đầu tư tài chính cho giáo dục đại học từ nguồn ngân sách nhà nước cũng như các nguồn lực khác là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần quan tâm đến việc phân bổ và sử dụng nguồn lực sao cho hiệu quả. Theo TS. Phạm Văn Tác, vai trò của của hợp tác quốc tế trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chia sẻ kinh nghiệm và tiếp cận các chuẩn mực quốc tế cũng cần được quan tâm hơn nữa cũng như tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường liên kết với doanh nghiệp, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, và nâng cao vai trò của các trường đại học trong nghiên cứu khoa học.
GS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phát biểu kết luận Hội nghị Quản lý hành chính
Phát biểu kết luận hội nghị, GS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường ĐHYDCT nhấn mạnh, Hội nghị Quản lý hành chính Trường ĐHYDCT năm 2024 đã đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2020-2024; các hoạt động và kết quả đạt được trong công tác quản lý, điều hành và phát triển của nhà trường. Những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới và xây dựng kế hoạch và định hướng phát triển cho giai đoạn 2025-2030.
Theo GS.TS Nguyễn Trung Kiên, giai đoạn 2020-2024, Trường đã hoàn thành một số mục tiêu như duy trì chất lượng đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế. Trường đang xếp hạng rất cao trong số các trường đại học của Việt Nam, của Đông Nam Á cũng như thế giới. Trường cũng thực hiện kiểm định cơ sở giáo dục đại học chu kỳ 2 và kiểm định chương trình đào tạo với tỷ lệ rất lớn so với các trường đại học khác.
Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như tỷ lệ tốt nghiệp, số lượng đề tài nghiên cứu; công tác tham mưu, cập nhật các văn bản quản lý vẫn còn một số hạn chế cũng như khó khăn trong việc cập nhật và điều chỉnh các quy định quản lý của Nhà nước.
Hiệu trưởng Trường ĐHYDCT nhận định nhà trường đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong giai đoạn 2020-2024, song vẫn còn một số mục tiêu chưa hoàn thành. Hiện nay trường đang có một nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ trường cho giai đoạn 2026-2030 với các giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng đến công tác quản lý, tham mưu và nâng cao tính chuyên nghiệp, đồng thời chú trọng đến công tác quản trị rủi ro. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hoạt động thiết thực như hội nghị, hội thảo để triển khai và giám sát việc thực hiện các nghị quyết.
Một số hình ảnh khác:
Khoa Y tế công cộng tham dự Hội nghị:
Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc trường tham dự Hội nghị:
Viên chức hành chính của các đơn vị tham dự Hội nghị
Đoàn Đại học Y Dược Cần Thơ xuất phát đi thăm Khu tưởng niệm Cố Thủ tưởng Phạm Văn Đồng tại thành phố Quảng Ngãi: