Ai đi qua bao chốn xa, vẫn ước ao được trở về nhà

29/09/2021

Lượt xem: 583

Hơn 50 ngày trong hành trình chống dịch với 1 tháng dừng chân ở Sài Gòn với biết bao kỉ niệm buồn vui, biết bao hào hứng của tuổi trẻ và vô vàng bài học lớn hoà lẫn nỗi vất vả nhọc nhằn khôn xiết. Mình đã từng có ý nghĩ chỉ xem Sài Gòn như một trạm dừng. Bởi khoảng thời gian ghé qua đây chỉ đếm bằng ngày.

Nhưng lạ thay, Sài Gòn - với mình bây giờ, là sự biết ơn, là niềm thương. Mình thương Sài Gòn vô cùng. Thương như một người thân, một người đã cưu mang mình vậy. Mình nhận ra dù sau này có thể đi bất kì đâu thì Sài Gòn với mình cũng là một tình yêu lớn, một chốn mà mình trân trọng và cất giữ ở nơi đẹp đẽ nhất trong tim. Vì nơi đó chứa một phần tuổi trẻ không thể quên của mình. Nơi đó mang hình hài của nỗi nhớ, mang dáng dấp của một người cha nghiêm khắc hay một người mẹ hiền từ dang đôi tay ôm lấy đứa con bé bỏng của mình.

Nhưng khi mình ngồi ngẫm nghĩ về điều gì khiến mình hạnh phúc, thì nó không hiện hữu ở đây. Hạnh phúc của mình là khi được ở bên cạnh gia đình, bên những người mà mình thương nhất. Hạnh phúc là mình được đi trên những con đường phủ đầy cây quen thuộc ở quê nhà, mà dừng ở đoạn nào mình biết cũng sẽ có một chốn quen thuộc để ở lại. Văng vẳng đâu đây tiếng ai ngâm bài thơ “Nói với con” của nhà thơ Y Phương:

“Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười

Người đồng mình yêu lắm con ơi…”

image001.jpg 

Mình nhớ quá! Thèm cái đông đúc ấm cúng hơi người. Chỉ mong cơm chiều có vài tiếng trẻ nhỏ. Tiếng ba càm ràm sao cơm rau thiếu mặn ngọt, tiếng mẹ cười khúc khích lùa vội miếng cơm rồi hỏi các con hôm nay công việc và học tập thế nào. Ba dạy, ba răn trăm điều nhớ khéo nha con. Mình lo quá! Lo lắng ở nhà mẹ có ho không? Lo lắng hằng đêm ba có ngủ yên giấc? Lo lắng chân mẹ đau có đôi tay nào xoa bóp? Vai cha mỏi nhừ biết nhờ ai giác hơi đây? Trằn trọc mãi vì lo hai người vì nhớ con mà buồn bã… Mỗi lần xa nhà, nhớ ba mẹ, nhớ những người thân, bạn thường làm gì? Chắc hẳn cảm giác lúc ấy xen lẫn sự nhớ nhung, khắc khoải có chút tuyệt vọng vì chưa thể trở về nhà ngay lập tức. Nhớ nhà giữa cuộc sống xô bồ nơi đất khách, nhớ khung cảnh sum họp gia đình, nhớ bố mẹ cùng với mâm cơm đoàn tụ bên nhau. Nhớ lắm nhưng đành nuốt nước mắt vào trong. Bởi được tham gia vào công tác tình nguyện chống dịch đợt này chính là một kỉ niệm lớn nhất trong quãng đời sinh viên của mình. Những ngày quần quật với chiếc tăm bông và vô số test nhanh hay PCR dưới đôi tay của mình, sự e dè giây phút ban đầu khi tiếp xúc f0 sẽ không còn nữa. Từng ngày qua đi, số lượng f0 mà mình truy vết ngày một giảm dần, có hôm chẳng có ca nào, cả bọn sung sướng tột cùng. Chiều tàn, rũ bỏ bộ bảo hộ kín bưng phủ đầy mồ hôi nhễ nhại, cái híp mắt của người bạn đồng nghiệp làm lòng mình dịu đi, đôi vai trĩu nặng cũng vơi dần mỏi mệt bởi mình biết bao nỗi vất vả đã bị xoá nhoà bởi nụ cười mãn nguyện. Ngày bọn mình vào tâm dịch, Sài Gòn mưa dông buồn bã, ủ rũ lâm bệnh nặng. Ngày bọn mình về, Sài Gòn khoác một màu áo mới, vượt qua hết mọi cam go, nắng bên kia hiên nhà đang chiếu rọi cái ấm áp yên bình sau giông bão kia.  Có thể sẽ cần một chút thời gian, một chút sắp xếp, nhưng một nơi dũng cảm như vậy sẽ sớm trở lại thôi. Có lẽ ước mong của bản thân mình hay tất cả mọi người sẽ sớm được thực hiện, trở về nhà bên mâm cơm dân dã miền Tây, với tô canh chua nóng hổi ăn cùng món cá kho hấp dẫn ba bắt ngoài đồng. Chẳng cần xa xỉ cao sang, chỉ giản đơn và ngập tràn hạnh phúc bên tổ ấm của riêng mình.

Đó là một chiều mưa

Con ngồi bên cửa sổ

Nhìn về phía hư vô

Đã tự bao lâu rồi?

Không bên vòng tay mẹ

Không cạnh bờ vai cha…

 image003.jpg

Sinh viên Lý Huyền Trân tham gia chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh

 

Quận 4, 28/09/2021.


Lý Huyền Trân - Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ