Ai khổ? vì ai?
Lượt xem: 437
Tôi giữ cho mình lạc quan trước tình hình dịch ở Cần Thơ đang diễn biến phức tạp, có vẻ như ngày càng xấu đi. Tôi tự nhủ khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, chỉ cần cùng chung tay góp sức với nhau.
Nhưng kể cả khi cố giữ cho mình niềm tin và sự lạc quan, lòng tôi lắm lúc se thắt lại, ngậm ngùi nhìn đồng bào mình chịu khó khăn, thiệt thòi.
“Khổ quá rồi cô chú ơi!”
Cũng là một câu nói thôi, nhưng sao tôi thấy lòng nặng trĩu. Một câu cảm thán chứa đầy sự mệt mỏi, bất lực nhưng cam chịu. Cam chịu vì cộng đồng xã hội, cam chịu vì hàng xóm láng giềng.
Chỉ
thị 16 đóng lại tưởng chừng như cánh cửa việc làm sẽ mở ra cho người nghèo có lại
thu nhập. Nhưng số lượng F0 tăng cao, dịch bệnh không phân biệt đối tượng, người
nghèo bị nhiễm phải cách ly tại nhà. Không đất đai, không công việc, không thu
nhập. Người nghèo đã nghèo, trở thành F0 lại bị đẩy vào hoàn cảnh phải nghèo
hơn…
Tôi
tham gia trạm y tế lưu động tại một xã vùng xa với số ca mắc cao nhất huyện và
không ngừng tăng, một xã có nhiều hộ gia đình là người dân tộc với đời sống
kinh tế khó khăn. Những ngày xuống địa phương thăm hỏi F0, chúng tôi không lạ
gì với câu hỏi: “Nào tôi
mới được đi làm lại? Khổ quá rồi cô chú ơi!”
Tiếp
xúc với F0 và trở thành F1 đã phải tự cách ly, đợi thêm vài ngày để được lấy mẫu
và nếu không may trở thành F0, lại tiếp tục cách ly tại nhà thêm 14 ngày. 14
ngày kể từ lúc trở thành F0!
Khi
đi tình nguyện tôi mới cảm nghiệm được khó khăn để thực hiện đúng chỉ đạo. Một
xã với nhân lực y tế không tới 10 người, có lúc đỉnh điểm chỉ còn 2-3 người có
thể thực hiện công tác phòng chống dịch. Người dân chờ đợi. Nhân viên y tế kiệt
sức. Thời gian F1 được lấy mẫu lâu hơn đồng nghĩa thời gian chờ đợi hết cách ly
sẽ lâu hơn, cũng là bằng ấy thời gian người dân không thể làm việc và kiếm thu
nhập. Cuộc sống của họ khó khăn hơn.
Mấy
ngày nay, Cần Thơ quá tải, đã 4-5 ngày rồi vẫn chưa nhận được kết quả gửi về,
điện thoại chúng tôi cứ reo liên tục, người dân gọi hỏi khi nào có kết quả, hỏi
chúng tôi khi nào họ mới được đi làm…
Chỉ biết lắng nghe, đồng cảm và xin được họ thông cảm! Tôi biết khi cuộc gọi kết thúc, đầu dây bên kia sẽ thở dài, sẽ phàn nàn, sẽ nói những lời có thể gây tổn thương. Nhưng bây giờ liệu có phải lúc để trách? Mà có trách thì trách ai?
Cuộc
chiến chống Covid chắc sẽ còn dài, còn cần sự chung tay góp sức của mỗi người,
cần sự cảm thông cho những khó khăn của nhau, cần sự lắng nghe!
Có
lẽ vì chúng ta có quá nhiều việc phải làm, có quá nhiều điều cần phải nói nên
không thể toàn tâm lắng nghe. Phải đi lấy mẫu thật nhanh tranh thủ gửi cho kịp
giờ. Phải thăm hỏi thật nhanh còn kịp đến nhiều nhà khác. Phải bàn giao thật
nhanh để có thì giờ nghỉ ngơi sau một đêm trực dài.
Giá
như người dân có thể nhìn thấy công việc mà một nhân viên y tế phải làm trước
khi đến nhà họ lấy mẫu và công việc sau đó, họ sẽ sẵn sàng cảm thông cho sự chậm
trễ. Giá như người dân được tuyên truyền và hiểu đúng về bệnh họ sẽ không bực dọc
vì “nhà bị giăng dây”, “trong mình khỏe
re mà y tế nói bị bệnh”, “bị bắt ở nhà nửa tháng, hơn nửa tháng nay không cho mần
ăn gì”. Giá như chúng ta hiểu những cái khó của nhau, hiểu rằng trong cuộc chiến
chống Covid này, tất cả đều đang cần mẫn với công việc riêng, góp sức cho công
cuộc chung.
Nếu
ai đó phải chịu trách nhiệm cho hậu quả này, thiết nghĩ không ai khác hơn là
chính mỗi người chúng ta. Không ai là dư thừa trong chuỗi mắc xích xã hội này,
không có hành động nào lại không tạo nên tác động. Đổ lỗi, chê trách và thoái
thác trách nhiệm chỉ đẩy chúng ta vào sự chia rẽ, cản trở chúng ta chiến thắng
trận chiến cam go này. Một hành động tốt sẽ giúp cái sự chung được tốt hơn. Nhiều
hành động tốt sẽ giúp chúng ta đẩy lùi dịch bệnh, chiến thắng Covid.
Những
ngày tình nguyện của tôi trong chuyến đi lần này đang dần khép lại, một chuyến
đi để lại trong tôi nhiều suy tư. Tôi thấy mình nhỏ bé, và vì thế, tôi biết
mình cần sống giữa mọi người! Tôi cần được
giúp đỡ và cần giúp đỡ mọi người. Tôi cần học cách lắng nghe, học cách chia sẻ.
Tôi cần sống có trách nhiệm, cần làm việc tận tâm. Tôi cần trau dồi bản thân
nhiều hơn nữa, học hỏi nhiều hơn nữa.
Để
giảm bớt cái khổ chung, chúng ta chỉ cần thu vén cuộc sống của mình, giúp mình
sống tốt hơn. Khi chúng ta đủ tốt, gia đình chúng ta cũng sẽ tốt hơn, những người
xung quanh chúng ta sẽ tốt hơn, chúng ta đã làm cái chung được tốt hơn!
Nguyễn Thị Mỹ Duyên - Lớp YI khóa 43