Đội y tế lưu động – những câu chuyện thường ngày
Lượt xem: 468
Sáng sớm tinh mơ, ánh nắng yếu ớt đang cố gắng len lỏi qua từng thớ vải của chiếc màn dày cộm bên khung cửa sổ. Tôi thức dậy và quay sang nhìn thằng bạn đang nằm co rúm trong chiếc mền quân đội cũ kĩ. Lại một ngày mới bắt đầu với biết bao nhiệm vụ và công việc đang chờ đợi chúng tôi hoàn thành.
Hôm nay là ngày thứ 17 trong
nhiệm vụ của đội y tế lưu động phường Thuận Hưng – Thốt Nốt chúng tôi. Như thường
lệ, tôi thức dậy từ sớm lúc 6 giờ, vệ sinh cá nhân xong tôi đánh thức các bạn dậy
chuẩn bị cho một bữa sáng thật thịnh soạn để nạp thật nhiều năng lượng mà sẵn
sàng “đánh trận” tiếp theo. Ăn sáng xong, đội tôi liền di chuyển qua trạm y tế
phường phía đối diện.
Công việc được giao cũng
như mọi ngày mà chúng tôi hay làm. Tôi cùng Duy Anh – Một thằng bạn thân và bây
giờ cũng đóng vai một chiến hữu kề vai sát cánh cùng tôi thực hiện công việc lấy
mẫu cho bệnh nhân F0 đã đủ 14 ngày để xác nhận việc hoàn thành cách ly tại nhà.
Vốn kinh nghiệm sẵn có sau hơn 2 tuần xông pha chiến trường chúng tôi tất bật đứng
dậy và nhanh chóng soạn những túi đồ chuyên dụng cho việc lấy mẫu bệnh nhân.
Đây không giống nhiệm vụ chống dịch mà tôi từng tham gia trong chiến dịch lấy mẫu
cộng đồng tại Kiên Giang trước đây. Thay vì chỉ một vài ca test nhanh dương
tính mà hiếm khi tôi bắt gặp, giờ đây tôi được phân công lấy mẫu mà trước mắt
là một bệnh nhân dương tính 100% nên chỉ một sơ suất dù là nhỏ nhoi cũng đem đến
một hậu quả khôn lường. Soạn đồ xong, chúng tôi cùng một nhân viên y tế của trạm
nhanh chóng bước ra xe và di chuyển đến khu vực mà những bệnh nhân F0 đang cách
ly tại nhà. Chúng tôi chia nhau ra lấy mẫu từng bệnh nhân, cùng khử khuẩn và
đóng ống môi trường cho vào thùng lạnh, một quy trình thành thạo từng bước một
mà tôi cứ ngỡ rằng bọn tôi như những tay lấy mẫu chuyên nghiệp. Đi hết nhà này
đến nhà nọ, con đường ở quê sao cứ uốn cong như những ngọn sóng khiến cho việc
di chuyển trở nên khó khăn vô cùng. Mặc trên mình chiếc PPE giữa cái nắng gắt
buổi trưa khiến quần áo chúng tôi ướt đẫm trông chẳng khác gì những con chuột
ngộp nước. Cuối cùng thì công việc cũng kết thúc, tôi cùng mọi người thay nhau
cởi những bộ đồ PPE đã ướt sũng mồ hôi, tuy rằng muốn cởi ra và vứt bọn chúng
đi nhanh nhất khi có thể nhưng chúng tôi cố gắng chịu đựng mà cởi ra từng bước
theo đúng quy trình mà nhà trường đã tập huấn để hạn chế lây lan một cách tốt
nhất. Chúng tôi xử lý rác thải y tế tại chỗ rồi bước lên xe và trở về trạm y tế.
Không dừng lại ở việc lấy mẫu, đôi khi là khoảng 11-12 giờ đêm, một cuộc gọi cấp
cứu từ bệnh nhân cũng làm cho hai đứa tôi đang nằm sâu trong giấc ngủ cũng phải
bật dậy mà sẵn sàng lên xe cấp cứu cho bệnh nhân F0 đang khó thở, nguy kịch.
Người bê bình Oxy nặng trịch cỡ như hai ba chục ký để giúp bệnh nhân thở tại chỗ;
người đo SpO2, mạch, nhiệt độ, nhịp thở, huyết áp và phân tầng mức độ
nguy hiểm. Chúng tôi đưa bệnh nhân ra xe cấp cứu và chở thẳng đến bệnh viện với
một tốc độ cực kỳ nhanh chóng.
Quy trình cởi PPE, khử khuẩn và xử lý rác thải y tế tại chỗ
Còn riêng phần hai cô
công chúa nhỏ của đội Kim Anh và Minh Tâm, công việc cũng chẳng nhẹ nhàng hơn mấy.
Hai bạn được phân công gọi điện, tư vấn và chăm sóc F0 tại nhà. Nghe đơn giản
nhưng chẳng hề giản đơn, hàng ngày các bạn vừa đảm đương gọi điện tư vấn vừa phải
cập nhật lên phần mềm hệ thống số lượng ca F0 mới, tổng hợp lại ca F0 cũ, báo
cáo người khỏi bệnh hoàn thành cách ly, số ca cấp cứu… nghe thôi mà cũng muốn đổ
mồ hôi hột. Tuy chỉ là gọi điện tư vấn bệnh nhân, nhưng chỉ vài câu nói nhẹ
nhàng từ các bạn cũng khiến cho tâm lý của một bệnh nhân đang mắc “cơn đại dịch
của thời đại” cũng trở nên yên lòng và tuân thủ phác đồ điều trị. Ngoài ra, vì
số lượng nhân viên của trạm khá ít ỏi, chỉ trọn vẹn 4-5 người nên các bạn đảm
đương thêm nhiệm vụ phát thuốc cho F0 tại nhà. Cũng bởi, thành phố Cần Thơ đang
tiến hành văn bản đẩy nhanh công việc phát loại thuốc mới Molnupiravir trên khắp
các địa bàn quận huyện nên công việc lại ngày càng trở nên khó khăn. Nhưng với
quyết tâm và nhiệt huyết của tuổi trẻ cuối cùng các bạn cũng đã hoàn thành công
việc một cách xuất sắc.
Hai chiến sĩ nữ phát gói thuốc C cho bệnh nhân cách ly
tại nhà
Hỏi rằng chúng tôi có mệt
không, tất nhiên là có, hỏi rằng chúng tôi có gặp nhiều khó khăn không, lại
càng có, hỏi rằng chúng tôi có muốn từ bỏ không, chắc chắn là không – Đó là một
lời khẳng định đanh thép mà trong mỗi thành viên của đội chúng tôi sẽ đồng lòng
một câu trả lời. Tôi chắc là như thế, cũng bởi lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và
quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid-19 vẫn còn đang hoành hành trên đất nước Việt
Nam thân yêu của chúng ta.
Hai đội lấy mẫu và phát thuốc vô tình gặp nhau trên
chiến trường chống dịch
Cũng gần kết thúc thêm một
năm kể từ khi cơn đại dịch bùng phát, ngày Tết của chúng ta cũng đã sắp cận kề,
mỗi người hãy cùng nhau góp một chút sức lực để đem về hình ảnh sum họp bên gia
đình, bên chiếc bếp lửa những ngày đầu năm mới quen thuộc.
Nguyễn Đại Phát Nhật – YF khóa 43