Dừng chân nơi Thốt Nốt – những trải nghiệm giá rét mùa đông
Lượt xem: 257
Vi vu gió thổi, những ngọn gió đầu mùa như thấm đến tận tâm can của cậu sinh viên vào sớm mai thức dậy. Tôi biết Cần Thơ đang có bước chuyển mình vào những ngày cuối thu. Sau mùa giãn cách thật là khó chịu, tôi lại cùng các bạn hòa nhập vào cộng đồng, cùng nhau vui chơi, học tập, cùng kể nhau nghe về những thú vui tao nhã đủ thứ ở trên đời.
Cũng chính vì hòa nhập cộng
đồng quá sớm, trong chúng ta chắc hẳn ai cũng đang dự báo về một cơn bão Covid
sắp trở lại, thậm chí nó còn ác liệt hơn trước kia. Và quả thật, ngày này rồi
cũng đến, những ca mắc Covid cộng đồng đã xuất hiện ở vài tụ điểm. Bắt đầu từ
1-2 ca rồi lại vài trăm ca, chỉ sau một tuần con số ấy đã lên đến hơn 1000 ca mỗi
ngày, một tốc độ khủng khiếp mà trước nay Cần Thơ chưa bao giờ đạt đến con số
ai nhìn vào cũng gần như ngã ngửa. Cần Thơ lại bước tiếp vào chương II của “Cuộc
chiến chống Covid”. Nhưng lần này không cần chờ đợi lâu, những kinh nghiệm từ
các cuộc chiến chống dịch lần trước đã giúp Trường Đại học Y Dược Cần Thơ có những
bước chuẩn bị thật sự kỹ lưỡng và có kế hoạch cực kỳ rõ ràng. Trường tôi nhanh
chóng huy động một lực lượng các chiến binh áo trắng mà thành phần chủ yếu đến
từ những cậu sinh viên chúng tôi, nhưng lại càng hãnh diện hơn nữa khi phân nửa
lực lượng trong tổng số tham gia đợt này đến từ lớp YF43 thân yêu của tôi, người
cũ có, người mới có, ai cũng háo hức được điền tên để tham gia chiến đấu trong
cuộc chiến lần này. Với riêng cá nhân tôi, khi nhận được email tham gia đăng ký
lực lượng y tế lưu động trên khắp các địa bàn Cần Thơ, tôi đã không chần chừ mà
điền sớm nhất ngay có thể để tiếp tục thêm một chiến dịch thứ ba kể từ khi đại
dịch Covid bùng phát.
Lễ xuất quân đội y tế lưu động quận Thốt
Nốt
Chúng tôi được thầy Quốc
cùng anh Minh dẫn đoàn tập trung tại UBND phường Thốt Nốt, đến nơi mỗi người
trưởng nhóm lưu động tại địa phương đến đọc tên và nhận đội sinh viên hỗ trợ về
khu vực quản lý của mình. Chúng tôi được xếp tổ đội 4 người, chỉ toàn là thành
viên cùng lớp nên tôi cũng tự tin ra hẳn. Tôi được cô Hạnh – trưởng trạm lưu động
quản lý đội mình niềm nở chào đón và chúng tôi được phân công về phường Thuận
Hưng, quận Thốt Nốt – Một nơi nói chung cũng khá xa trung tâm nên về cơ sở vật
chất, nơi ăn nghỉ lúc đầu cũng gặp đôi chút khó khăn nhưng rồi đâu cũng vào đấy.
Lần này tôi được phân công làm Leader của đội, vốn những kinh nghiệm sẵn có từ
những đợt chống dịch từ trước tôi nhanh chóng liên hệ và tập huấn cho các bạn
trong đội một cách thuần thục về quy trình lấy mẫu, khử khuẩn, vệ sinh…để hạn
chế lây nhiễm dịch bệnh một cách tốt nhất.
Ngày đầu tiên làm việc,
tôi cùng Duy Anh – Một người bạn thân mà tôi và nó hay cùng nhau ngồi chơi game
bắn súng chinh chiến ở một vài con quán nhỏ quen thuộc ngày nào. Giờ đây, chúng
tôi lại làm chiến hữu thêm một lần nữa, nhưng lần này không phải trên một thế
giới ảo qua màn ảnh nhỏ, chúng tôi bước vào một cuộc chiến thật sự, nơi mà chỉ
một sơ suất nhỏ cũng mang đến hậu quả khó lường. Chúng tôi được phân công vào
công việc lấy mẫu, phát thuốc cho bệnh nhân F0 đang cách ly đủ 13 ngày tại nhà.
Đường di chuyển có gặp đôi chút khó khăn và quy trình làm việc cũng có hơi khác
biệt so với các chiến dịch trước kia mà tôi tham gia nhưng nhờ có bác Nhỏ -
nhân viên y tế của phường chỉ dẫn chúng tôi cũng dẫn bắt kịp tiến độ công việc.
Hai chiến hữu sẵn sàng ra trận cấp cứu cho bệnh nhân
F0 trở nặng
Còn riêng phần Kim Anh và
Minh Tâm, chúng tôi hay ghẹo nhau là “2 cô công chúa” của đội thì được phân
công làm việc tại trạm y tế của phường. Công việc của các bạn là gọi điện, tư vấn
và chăm sóc F0 tại nhà nhưng lúc đầu mới nhận vì số lượng F0 quá tải lên đến gần
200 ca nên các bạn cũng gặp không ít khó khăn do vẫn còn chưa quen với công việc
mới. Thế rồi hết một ngày, chúng tôi trở về trường mầm non phía đối diện trạm y
tế để ăn uống và nghỉ ngơi. Ai cũng mệt nhoài, chúng tôi chỉ nhìn nhau mà không
nói lấy nổi một tiếng hỏi han mà thay vào đó là một tiếng cười phì vừa mệt mỏi
nhưng cũng vừa tiếp thêm sức mạnh trên chiến trường chống dịch nơi đất khách
quê người. Những ngày sau đó, chúng tôi dần dần bắt kịp tiến độ và làm quen với
công việc thường ngày, các nhân viên y tế tại đây cũng niềm nở thay nhau giúp đỡ
chúng tôi những công việc đôi khi gặp khó khăn.
Bước
qua hai tuần nơi phương xa chống dịch, tôi học hỏi được rất nhiều điều mà chỉ
khi bước ra thực tế tôi mới trải nghiệm được hết những thứ người ta viết trên
những trang sách lý thuyết khi tôi đọc được. Cần Thơ những ngày đầu đông thật lạnh,
chúng tôi - Những chiến sĩ áo trắng cũng mong muốn được trở thành ngọn đuốc rực
lửa để sưởi ấm lên tinh thần của những bệnh nhân mắc Covid giúp họ có thể vững
tâm vượt qua được những khó khăn, trắc trở mà trở về với cuộc sống thường ngày.
Nguyễn Đại Phát Nhật – Lớp YF khóa 43