Hành trình chống dịch của những người ở lại

13/10/2021

Lượt xem: 327

Tôi đã ở một trong những tâm chấn của cơn “động đất” kinh hoàng mang tên covid-19. Có người cho rằng, đây là thiên tai, lại có người cho rằng, đây là nhân họa. Dù là gì đi nữa, trong chúng ta, ít nhất cũng đã nếm trải sự thảm khốc của nó.

Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã cử hàng ngàn cán bộ và sinh viên tham chiến trực tiếp, trong đó có đoàn xe rực lửa lên Sài Gòn hoa lệ, có đoàn “siêu xe covid” đến Hà Tiên “đẹp như xứ thơ”, có đoàn về Đồng Tháp nơi tôi chôn nhau cắt rốn. Có những đồng nghiệp đi từ đầu mùa dịch, mải miết mấy tháng trời, đến khi hết chỉ thị 16 mới vừa trở về, trong đó có chị trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Cũng như bao người bình thường khác, ròng rã mấy tháng trời, tôi trông ngày hết dịch, trong ngày các đồng nghiệp được trở về. Bởi vậy, tôi kể với chị đã 2 lần nằm mơ thấy chị về, chị về tức là cuộc chiến này, chúng ta đã chiến thắng, chị còn cười tôi vì nói chuyện kiểu như chị hiện hồn về. Tôi đọc tin nhắn của chị, cũng bật cười rồi chua xót, vì tỉnh giấc, chị vẫn chưa về, dịch vẫn cam go. Người được cử ra tiền tuyến, không bỏ sót trận mạc nào từ xét nghiệm, truy vết, tiêm ngừa…, Những người ở lại, nhân viên y tế tại bệnh viện, phục vụ bếp ăn, phục vụ các công tác hậu cần, trong đó có các anh chị em kỹ thuật viên, ở ngay khoa Xét nghiệm của tôi, ngay vị trí làm việc cũ trước ngày dịch đến, cũng xứng đáng được tuyên dương. Nhân sự chia 5 xẻ 7 cho các loại hình nhiệm vụ khác nhau, các anh chị em trực tua 3, ra trực phải ở lại đến chiều để thực hiện các khâu liên quan xét nghiệm cho nhân viên cơ quan. Loay hoay, ngày hôm sau lại làm việc bình thường, rồi đến ngày trực. Ngày trực bên cạnh các việc bình thường như truyền máu, xét nghiệm cấp cứu…còn thêm các bước trước mỗi bệnh nhân mới nhập viện cần test covid. Mỗi khi test covid phải sửa soạn trang phục bảo hộ, sau khi test cũng phải xử trí kì công. Ngoài ra, mỗi anh chị em hậu phương phải đảm nhận 2,3,4 nhiệm vụ mới phát sinh do dịch hoặc các công việc mà các đồng nghiệp đi tiền tuyến bàn giao lại. Ở các thời điểm mà các bệnh viện khác bị phong tỏa do có ca F0, lượng bệnh tăng đột xuất, anh chị em cũng vắt dò lên cổ. Bình thường, điện thoại khoa reo hơn 15 giây chưa ai bắt máy là lạ, còn lúc cao điểm, có thể chạy ra trả kết quả bệnh nhân đòi, quay vô nghe điện thoại 1 chưa xong, điện thoại 2 đã reo, đang nghe điện thoại 2, điện thoại 1 lại reo. Trong khi đó, điều dưỡng ở các khoa nội trú lên lấy máu cũng phải ngồi chờ, mẫu do các khoa đem lên cũng đang chờ. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng căng thẳng khốc liệt, cũng có những tiếng cười ít ỏi bên bữa cơm muộn của những người trực và người ở lại không dám về nhà, sợ lây bệnh cho người nhà, khi bệnh viện đang có ca nghi ngờ.

Theo tôi, người trực tiếp điều trị F0 nặng và nhân viên y tế đi cộng đồng phải cực kỳ bản lĩnh, vững tinh thần, chắc chuyên môn. Laptop của tôi hư ngay trong mùa dịch với hàng hàng công việc phải giải quyết online Lúc đó, khó mà sửa và tìm linh kiện thay thế nên đành bấm bụng mua cái laptop mới luôn. Nhờ vậy, hiện, laptop cũ sửa xong, thành ra có 2 laptop, để dành 1 cái cho bé con học online. Sau khi mua laptop mới, tôi đăng ký đi cộng đồng nhưng chưa được tham gia. Cơ duyên với trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đến bên tôi lúc đấy. Cùng với các bác sĩ khác trong trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tôi đăng ký tham gia đội hình điều trị F0 từ xa (team 1 bác sĩ tại nhà, bệnh nhân F0 tại nhà, khi có phát sinh, bác sĩ team 1 sẽ báo team bác sĩ 2 đưa đi cấp cứu kịp thời). Mô hình này đã được thực hiện hết sức hệ thống với hàng loạt các buổi tập huấn, các video hướng dẫn và các quy trình y khoa cực kỳ trực quan sinh động và khoa học). Bác sĩ team 1 thăm khám kê toa và nắm bắt tình hình thực phẩm, nguồn oxy của bệnh nhân, sẽ có team của y tế địa phương thuộc phường, quận vận chuyển tới tận nhà cho bệnh nhân. Đây là trải nghiệm dạng “thực tế ảo”, “virtual” đáng nhớ nhất của tôi. Tất nhiên, hầu hết bệnh nhân nhẹ nhàng vượt qua cơn bệnh, cũng có khi trong 1-2 tuần sẽ có 1 bệnh nhân chưa được xử trí kịp thời do lượng bệnh quá đông. Anh bác sĩ chịu trách nhiệm trong mô hình quản lý F0 tại nhà ở quận chúng vừa lên tiếng xin lỗi chúng tôi vì không thể Đề nghị bằng khen Bộ trưởng cho chúng tôi (những thành viên ngoài trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh) như các thành viên thuộc trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh được. Thật ra, tất cả chúng ta đều hiểu, chỉ cần cái đích chiến thắng dịch đạt được, đó mới là điều mọi người quan tâm. Chúng tôi tham gia chung một đội hình, thành viên trong tổ chức được bằng khen thì đó là một điều tự hào cho tất cả mọi người. Tôi cũng tự hào là một phần nhỏ của trường Đại học Y Dược Cần Thơ, góp một chút tâm sức nhỏ vào chiến dịch lớn hỗ trợ được đồng bào Thành phố mang tên Bác. Như vậy là quá đủ. Tôi được thử thách với nhiệm vụ mới, quản lý một đội hơn chục nhân viên y tế khác đều là “nhân sự” mới mẻ cho nhiệm vụ mới trong tình hình mới. Nhân sự cũng liên tục thay đổi. Mặc dù gắn bó thời gian ngắn ngủi thôi, cũng đầy lưu luyến khi một số bạn đành xin rút do được điều động, tham gia nhiệm vụ chống dịch khác. Các bạn trong team từ mọi miền tổ quốc, từ mọi ngôi trường Y Nha Dược trải dài khắp Việt Nam, từ mọi lứa tuổi trở thành một team hoạt động thống nhất. Cũng thăm khám Bệnh nhân mỗi ngày, cũng trực chỉ là trực online 24/24 và 24/7, cũng đau đáu với những cái lo lắng, trắc trở, thiếu thốn thuốc uống, thức ăn, oxy của bệnh nhân. Cũng giao ban chuyên môn hàng tuần. Cũng bức xúc với những trường hợp chuyển cấp cứu trễ, xử lý chưa phù hợp. Những điều tồi tệ dịch đem đến đã quá rõ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những điều tốt, rút ngắn khoảng cách địa lý và cho thấy sự đoàn kết mạnh mẽ của nhân viên y tế chúng tôi.

Cuối cùng, chỉ trông ngày hết hẳn dịch để cuộc sống được bình thường, mọi gia đình được đoàn tụ, để chúng ta tiếp tục con đường phấn đấu, chiến đấu với bản thân để trở nên một phiên bản tốt hơn của mỗi người và mọi người đều có cuộc sống tươi đẹp.

image001.jpg 

Team xét nghiệm tại Bệnh viện Trường


Bs. Hà Thị Thảo Mai