Hãy nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta
Lượt xem: 259
Đã 8 tháng trôi qua kể từ đợt dịch thứ 4 bùng phát, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.407.655 ca, trong đó có 1.051.903 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 27.839 ca. Từ 17 giờ 30 ngày 11/12 đến 17h30 ngày 12/12 ghi nhận 228 ca tử vong.
Tôi
vừa kết thúc chuyến tình nguyện của mình sau 21 ngày gắn bó, vừa kết thúc một
câu chuyện dài mà tôi chắc chắn sẽ kể lại hoài cho con cháu của mình nghe...
Tôi nhớ đã từng đọc trong một cuốn sách nào đó, nói rằng chúng ta mất 21 ngày để
tạo nên thói quen. 21 ngày. Thật trùng hợp. Tôi vừa trải qua 21 ngày, vừa đủ để
tạo nên những thói quen mới: quen thức dậy bằng tiếng cười nói của những người
bạn cùng đội, bằng tiếng nhạc quen mọi người vẫn hay nghe vào buổi sớm; quen ăn
cơm cùng nhau 4 người trên 1 cái bàn gỗ học sinh; quen chiều chiều khi nắng đã
nhạt rủ nhau cùng đá cầu, mỗi đứa một thế đá, cùng nhau cười rôm rả; quen xúm tụm
quanh cái thau đỏ to, bình phẩm từng cái áo cái quần của nhau trong lúc cùng giặt
đồ; quen sớm sớm trưa trưa đèo nhau đi làm; quen thấy những nụ cười trong veo;
quen cái cảm giác được thuộc về... Tôi đã có những thói quen mới trong 21 ngày
cùng đồng đội chống dịch!
Hôm
nay, chúng tôi chia tay nhau, kết thúc hành trình "vượt lên chính
mình", kết thúc những hoạt động vừa mới trở thành thói quen để quay trở về
với cuộc sống thường nhật, quay về với nhiệm vụ chính của chúng tôi: học tập.
Và
bây giờ, tôi ngồi trong căn phòng trọ nhỏ, mở chút nhạc để lấp đầy sự trống rỗng
này. Bây giờ, tôi ngồi đọc bản tin dịch Covid 19 ngày hôm nay của Bộ Y tế. Tôi
đang ngồi, nhìn những con số biết nói.
Tôi
đã đi qua 21 ngày mong đợi, và những ngày tiếp theo đây tôi sẽ còn mong đợi nữa.
Tôi biết rằng, không chỉ riêng tôi, tất cả chúng ta đều đang mong đợi từng
ngày! Chúng ta mong đợi trở lại cuộc sống của những ngày không sợ hãi, mong trở
lại những ngày tay bắt mặt mừng.
Dịch
bệnh kéo dài quá lâu rồi, cái gánh trên vai nhiều gia đình cũng nặng hơn nhiều
rồi. Virus đã tràn vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, đẩy nhiều gia đình vào cảnh
túng thiếu, cướp đi sinh mạng nhiều người thân yêu của chúng ta. Virus bây giờ
không chỉ tấn công phổi làm chúng ta khó thở mà con tấn công vào tim khiến trái
tim chúng ta quặn thắt, tấn công vào tâm trí khiến chúng ta kiệt quệ tinh thần.
Tôi
thấy quý 21 ngày được ở trong vùng dịch, được tiếp xúc trực tiếp với những gia
đình F0, được lắng nghe những câu chuyện của họ...
21
ngày không quá dài, nhưng đủ để tôi cảm nghiệm được ranh giới mong manh giữa sự
sống và cái chết, cảm nghiệm được tình thân và sự liên đới con người.
Tôi
tự nhủ đó là chuỗi ngày đáng được ghi nhớ, đáng được khắc sâu trong tâm khảm
mình, đáng phải lưu giữ như hành trang cho tôi trong hành trình dài sắp tới với
cái nghề này.
Ngày 23/11/2021...
Ngày
làm việc đầu tiên của tôi với tâm thế là một tình nguyện viên chăm sóc F0, tôi
cùng các bạn chung đội theo chân chú cán bộ địa phương đến thăm hỏi những F0
đang điều trị tại nhà. Tôi vẫn còn nhớ dáng cô ngồi trên chiếc võng mắc ngang
hiên nhà, một cô F0 đứng tuổi, vừa đu đưa trên võng, vừa nói chuyện với chúng
tôi. Sẽ chẳng phải hình ảnh đáng nhớ với tôi nếu tôi không gặp lại cô trong một
hoàn cảnh khác...
Chúng
tôi thăm hỏi sức khỏe của cô cũng như thăm hỏi sức khỏe bao F0 khác rồi rời đi.
Sáng hôm sau, chúng tôi hay tin cô trở nặng và được người nhà tự đưa đi bệnh viện
mà không báo về TYT. Tôi nghe tin và nhớ về cô như phải nhớ một thông tin. Vài
hôm sau đó, chúng tôi nhận danh sách F0 điều trị tại nhà đủ 14 ngày cần lấy mẫu
lại từ anh phụ trách. Soạn vật dụng, lên đồ và 4 đứa chúng tôi đèo nhau đến khu
phong tỏa, nơi cán bộ địa phương đã đợi, sẵn sàng dẫn chúng tôi đến từng nhà.
Chúng tôi đi dọc con đường trong khu phong tỏa, những nhà cần lấy mẫu san sát
nhau. Đến một bãi đất trống đối diện một căn nhà, chú dẫn đường nói nhỏ với
chúng tôi chắc phải bỏ qua nhà đối diện, vì hôm nay những người trong gia đình
đó phải đi rước tro cốt của người nhà về. Tôi đưa mắt mình nhìn sang căn nhà đối
diện, qua lớp kính chắn tia mờ mờ hơi nước, trước mắt tôi là khung cảnh vừa lạ
vừa quen, gợi tôi nhớ đến hình ảnh người phụ nữ ngồi trên chiếc võng đu đưa.
Tôi nhìn những người bạn đi cùng, chúng tôi nhìn nhau. Giữ cho sự im lặng được
trọn vẹn, chúng tôi chẳng nói với nhau lời nào. Trong sự im lặng, chúng tôi
nghe được tiếng lòng nhau, tiếng thở dài nặng trĩu. Chúng tôi phải chăng đã
không hoàn thành sứ mệnh của mình khi đánh giá không đúng nguy cơ và tình trạng
sức khỏe của cô? Chúng tôi phải chăng đã không tận tâm với công việc của mình?
Chúng tôi phải chăng đã gián tiếp gây nên cái chết của cô, gián tiếp cướp đi
người thân yêu của một gia đình? Tôi thấy lòng mình trĩu nặng.
Chưa
kịp ngưng dòng suy nghĩ, trước mắt tôi là hình ảnh một người đàn ông trẻ tuổi,
tay ôm hũ sứ đựng tro cốt của cô, chậm bước vào nhà. Tôi tự hỏi bao nhiêu người
trong nhà đã nhìn thấy cô khi cô được chuyển vào bệnh viện, để bây giờ cô đã ra
đi, bị hỏa táng và trở về nhà đã là bụi tro...
Công
việc của chúng tôi phần nhiều nằm trong khu phong tỏa, tôi có dịp đi qua nhà cô
thường xuyên. Nên tôi đã thấy... một cái đám tang buồn! Không người viếng thăm,
không tiếng nhạc đưa tiễn. Một lần vội qua, tôi thấy một người có lẽ là con
gái, lủi thủi bày mâm cúng cho
cô.
Ngày 12/12/2021...
Ngày
cuối cùng của tôi trong tâm thế là một tình nguyện viên chăm sóc F0 (bất đắc
dĩ). Ngày cuối cùng, chúng tôi dự định sẽ thức dậy sớm soạn xếp đồ đạc để trở về
trường học tập, 8h30 sẽ qua TYT cảm ơn và chia tay các anh chị ở trạm. 9h chúng
tôi sẽ về lại TTYT - nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến khi xuống đây để bàn
giao công việc với nhóm mới. Nhưng mọi thứ không còn như kế hoạch khi chúng tôi
nhận được 1 cuộc gọi...
Cùng
một lúc, cả 2 F0 chúng tôi đang theo dõi trở nặng. Nhận được thông báo của TYT,
chúng tôi khẩn trương chuẩn bị và chia làm 2 nhóm tức tốc xuống nhà F0.
Vì
là ngày cuối, chúng tôi cũng đã quen thuộc với những con đường. Tôi cùng anh
chung nhóm xuống nhà một F0 mà chúng tôi đã trực tiếp xuống thăm hỏi vài hôm
trước. Anh phụ trách chúng tôi tại TYT đã đợi sẵn ở đó. Thật may, tình trạng
không đến nỗi nghiêm trọng, mọi chỉ số sinh tồn đều trong giới hạn bình thường.
Chúng tôi hướng dẫn chú tập hít thở, thông báo nhanh tình trạng sức khỏe của
chú rồi ra về với lời dặn, nếu có bất thường gì hoặc tình trạng nặng hơn phải
liên hệ ngay với chúng tôi.
Một
F0 nữa nơi 2 người bạn còn lại của nhóm đến thăm khám lại trong tình trạng báo
động. Chúng tôi hay tin và sau khi rời nhà F0 mình phụ trách, chúng tôi chạy đến
giúp 2 người bạn mình một tay. F0 này là một cụ ông nhiều bệnh nền, SpO2 80% (khí
trời) và tăng lên 90% sau khi được thở O2 5L/phút qua cannula.
Anh
TYT cùng đi với chúng tôi đề nghị chuyển viện, xe cấp cứu cũng đã chuẩn bị sẵn
sàng. Song khi giải thích tình trạng của ông và lấy ý kiến của người nhà, chúng
tôi nhận được một lời từ chối nhập viện thẳng thừng với lý do:"Ông không muốn đi bệnh
viện, hôm qua ông
nói đó là nguyện vọng của ông."
Chúng tôi giải thích, mỗi người một lời, động viên gia đình đưa chú đến nơi có
đủ cơ sở vật chất để điều trị. Tôi ở lại với ông trong căn phòng khách, theo
dõi SpO2 trong lúc những người còn lại thay phiên nhau giải thích, động viên
người nhà. Ông thở mệt, chỉ nói được từng tiếng. Tôi hỏi ông muốn đi bệnh viện
không? Ông bảo ông muốn đợi... Ông muốn đợi thằng con trai đi làm xa đang trên
xe gấp rút trở về.
Gia
đình sợ ông sẽ mất ở bệnh viện, sợ không được gặp ông lần cuối, sợ người ta sẽ
chuyển ông hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, sợ khi gặp lại ông lần sau ông
chỉ còn là tro. Có lẽ dịch bệnh đã khiến chúng ta sợ hãi và bi quan nhiều hơn,
ít niềm vui và ít hy vọng hơn.
Hay
chúng ta còn sợ điều gì khác chăng?
Ông
bị tai biến 4 lần rồi, trong khoảng mười mấy năm trở lại đây. Ông nói không còn
trôi chảy, đi lại không còn linh hoạt, nhiều sinh hoạt phải nhờ đến người thân.
Mười mấy năm ông sống phụ thuộc - mười mấy năm một tay cô chăm sóc ông. Khi tôi
cố thuyết phục và gặng hỏi ông thêm lần nữa, tụi con cho ông đi bệnh viện nha, ở
đó người ta có đủ thiết bị và thuốc men để điều trị cho ông. Tôi chờ ông trả lời,
hy vọng nhận được cái gật đầu từ ông. Nhưng ông nhìn cô. Ông im lặng.
Sự
im lặng của ông dập tắt niềm hy vọng trong tôi. Tôi biết chúng tôi chẳng thể
làm gì để sự im lặng này khác đi. Vì bạn tôi đã nhìn thấy cô đứng sau ra dấu bảo
ông đừng đi khi tôi gắng xin ông một cái gật đầu. Khi không còn khả năng tự làm
chủ cuộc đời, chúng ta đâu đủ tự tin cho phép mình tự quyết định phần còn lại
cuộc đời mình.
Tôi
không hiểu tại sao cô lại hành động như vậy, và tôi cũng không cố lý giải,
không cố hiểu. Tôi chỉ cố làm tốt phần của mình, thuyết phục gia đình cho ông
đi viện. Tất cả chúng tôi đều cố gắng cho một mục đích duy nhất là ông được lên
tuyến trên điều trị. Nhưng rồi tất cả chúng tôi, thất bại!
Cô
đề nghị được ký cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm, nhất quyết để ông ở nhà.
Chúng tôi ra về sau khi hướng dẫn người nhà cách sử dụng bình Oxy, hướng dẫn
người nhà theo dõi ông.
Chúng
tôi ra về, không ai nhắc lại câu chuyện về ông. Không phải vì chúng tôi dửng
dưng, nhưng vì chúng tôi cần giữ lại sự nguyên vẹn kí ức này, cần giữ lại những
suy tư cho riêng mình...
Ước
gì chúng ta không từ bỏ hy vọng. Ước gì chúng ta nghĩ đến sự sống trước khi
nghĩ đến cái chết. Ước gì chúng ta có thể làm tất cả những gì có thể để giành lại
những người thân yêu. Ước gì bằng lời hỏi thăm, bằng lời an ủi,... chúng ta có
thể mang lại niềm hy vọng cho nhau.
Và...
Hãy nắm giữ niềm hy vọng
dành cho chúng ta!
Nguyễn Thị Mỹ Duyên - Lớp YI khóa 43