Hướng dẫn bệnh nhân COVID-19 tự theo dõi bằng y học cổ truyền
Lượt xem: 32
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, F0 tăng nhanh. Trong đó, 80% người mắc COVID-19 điều trị tại nhà. Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ biên soạn sổ tay hướng dẫn bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ tự theo dõi bằng phương pháp y học cổ truyền dành cho F0 đang điều trị tại nhà.
Sổ tay dùng để áp dụng cho nhóm F0 nguy cơ thấp, trung bình và các trường hợp đã khỏi bệnh về nhà tự cách ly theo dõi thêm 14 ngày.
Sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thăm hỏi sức khỏe F0 điều trị tại nhà. Ảnh: nhà trường cung cấp.
Theo đó, khi mới phát hiện mình bị dương tính với COVID-19 nhưng chưa biểu hiện triệu chứng, thực hiện các biện pháp sau: Tập thể dục hoặc dưỡng sinh 1-2 lần/ngày (tập nhẹ nhàng, mỗi lần từ 15-30 phút); tập thư giãn 1-2 lần/ngày (ngồi thiền, nghe nhạc, đọc sách), tập vận động tại giường; tập hít thở 3 lần/ngày.
Về uống: uống đủ nước ít nhất 2 lít mỗi ngày, có thể bổ sung thêm vừa đủ hợp lý các loại nước dừa, rau má, nước cam, nước hoa quả. Chú ý các loại nước hoa quả không thể thay thế hoàn toàn nước chín đun sôi để nguội. Có thể giúp làm sạch đường hô hấp trên bằng một trong hai loại nước uống: nước ép tỏi hoặc nước gừng, chanh, sả, mật ong.
Về ăn: kiêng cử, hạn chế thức ăn chiên, xào nhiều dầu, quá cay, nhiều gia vị, thức ăn nướng. Không uống rượu, bia, không hút thuốc lá. Hạn chế uống cà phê.
Mỗi ngày súc miệng họng bằng nước muối sinh lý ít nhất 4 lần/ngày; rửa mũi bằng nước muối sinh lý, thực hiện 2 lần/ngày. Ngủ đủ giấc, không thức quá 23 giờ.
Làm sạch các bề mặt, mở cửa thông thoáng, đón ánh nắng trực tiếp vào phòng, luôn đeo khẩu trang, kể cả lúc đi vệ sinh, rửa tay thường xuyên. Luôn giữ khoảng cách 2m với những người xung quanh.
Chuẩn bị một số thuốc Tây: hạ sốt, tiêu chảy, thuốc hoặc kẹo giúp giảm đau họng, gói viên bù nước điện giải oresol, vitamin... viên thuốc xông.
Không tự ý sử dụng các phương pháp điều trị bệnh lan truyền trên mạng khi chưa có kiểm chứng, như: uống giun đất, uống dầu gió... Cần gọi điện tư vấn bác sĩ khi muốn dùng thuốc tây kháng sinh, kháng viêm, kháng đông.
Khi có các dấu hiệu: khó thở, mệt mỏi nhiều, đau ngực, lạnh đầu móng tay, chân thì liên hệ ngay với nhân viên y tế địa phương tại chỗ để được hỗ trợ kịp thời.
Một số người khi mới mắc COVID-19 sẽ có những biểu hiện như cảm cúm: sốt dưới 39°C, ho, đau họng, chảy mũi hoặc nghẹt mũi, người mệt mỏi, đau nhức xương khớp…, ngoài những biện pháp trên, nên thực hiện thêm các biện pháp sau:
Xông toàn thân bằng thuốc xông có bán sẵn tại các nhà thuốc hoặc tùy điều kiện sẵn có mà có thể xông bằng một hay nhiều loại thảo dược như: sả, củ gừng tươi, lá lốt, vỏ bưởi, lá tía tô, kinh giới, lá hương nhu... chú ý xông cho rịn mồ hôi là được. Không nên để đổ quá nhiều mồ hôi, lau người ngay sau xông, không để mồ hôi thấm ngược lại, không để gió lạnh thổi vào người ngay sau khi xông. Không nên tắm sau xông, chỉ dùng khăn nhúng nước ấm vắt khô để lau. Sau khi xông nên ăn cháo và uống nước ấm. Mỗi ngày xông 1 lần, nếu hết ớn lạnh thì ngừng xông.
Xông mũi miệng: có thể xông 2-3 lần/ngày, có thể xông liên tục nhiều ngày nhưng không quá 5 ngày liên tục. Chú ý, không để hơi nóng xông thẳng vào mặt quá nhiều có thể gây bỏng vùng mặt. Xông quá mức có thể gây phù nề niêm mạc mũi miệng.
Khi đã âm tính với COVID-19 nhưng vẫn còn tồn tại rải rác một số triệu chứng của bệnh: tự theo dõi tại nhà thêm 14 ngày và tiếp tục thực hiện các biện pháp đã khuyến cáo ở trên.
Bệnh nhân không khó thở hoặc khó thở nhẹ tập thở và tập vận động tại giường.
Nguồn: https://baocantho.com.vn/huong-dan-benh-nhan-covid-19-tu-theo-doi-bang-y-hoc-co-truyen-a141148.html