Một chuyến đi tháng 11
Lượt xem: 329
Nếu ai hỏi tại sao tôi chọn ngành y, tôi cũng không biết trả lời sao cho phải, có chăng chỉ là trong lúc bản thân đang còn phân vân mãi trước những lựa chọn khác nhau của cuộc đời, giật mình lại, tôi đã ở đây, gắn bó với trường Y Dược Cần Thơ gần 4 năm.
Giờ đây tôi đã là một sinh viên năm 4, ở cái thời điểm mà
đáng lẽ ra đã phải cắm mặt đi viện, tôi lại phải ngày ngày mở laptop và gặm nhấm những trang lý thuyết hay học lâm sàng online. Cũng giống
bao nhiêu đứa sinh viên khác, học tập, ăn rồi lại ngủ quanh quẩn chỉ trong 4 bức
tường chật hẹp, tôi không biết mình có nên tiếp tục lặp lại những ngày tháng vô
vị này hay không. Bạn bè tôi lần lượt tham gia tình nguyện, lao vào những nơi
nguy hiểm nhất, cháy hết mình với những khát vọng và nhiệt huyết tuổi trẻ. Còn
tôi, sợ hãi vì những gì COVID mang đến, tôi đã chần chừ, thu mình lại mà chẳng
dám tham gia những đợt tình nguyện mà trường kêu gọi, mặc dù bạn bè đã động
viên và thôi thúc tôi rất nhiều. Tuy nhiên, một ngày nọ, chả biết tôi lấy động
lực ở đâu ra mà đăng kí đi lấy mẫu cộng đồng trong một đợt ra quân tháng 9. Từ
đó, tôi mới nhận ra, tôi đã mê mẩn công việc này mất rồi, tôi tự nhủ sẽ làm hết
mình, mang lại những giá trị tốt đẹp, những kỉ niệm khó có thể quên cho tuổi trẻ
của tôi. Từ đó, mỗi lần trường phát động cuộc ra quân nào, tôi cũng hăng hái
ghi tên mình, và Thốt Nốt, chính là địa điểm tiếp theo của cuộc hành trình này.
Chúng tôi đến Thốt Nốt trong một đợt hỗ trợ tiêm trả vắc-xin Vero Cell cho bà con nơi đây trong không khí COVID lần
nữa tràn vào khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi được phân công
tiêm chủng ở trường tiểu học Thuận An, thuộc thị trấn Thốt Nốt. Ngày đầu tiên
làm nhiệm vụ, tôi được bạn đội trưởng phân công vào việc tiêm cho người dân. Mặc
dù lúc đầu có chút e ngại khi được giao nhiệm vụ, có lẽ vì không được đi viện
đã nhiều tháng, tôi có chút không tự tin. Tuy nhiên, sau đó tôi phải thầm cảm
ơn đội trưởng, bởi vì bạn đã trao cho tôi cơ hội được thực hiện các nhiệm vụ có
thể trực tiếp tiếp xúc với người dân. Đối với một người làm trong ngành y tế,
tiếp xúc và giao tiếp với người bệnh chính là một kỹ năngquý giá. Đó chính là
cái kỹ năng mà không sách vở hay bất cứ một người thầy nào có thể dạy được. Tuy nhiên, COVID đã khiến cho chúng tôi - những sinh viên
y, đáng lẽ ra phải được giao tiếp với bệnh nhân nhiều hơn qua những lần thực tập
tại bệnh viện, nay phải học tập qua một cái màn hình, thật là một điều vô cùng
đáng tiếc. Lúc đó, tôi nhận ra rằng, những chuyến đi tình nguyện như thế này,
chúng tôi không hề đơn giản chỉ là những kẻ cho đi mà còn là những người được
nhận. Chúng tôi được nhận lấy cơ hội để rèn giũa những kỹ năng
xã hội, được nói chuyện trực tiếp với nhiều người, học được
cách hướng dẫn người dân và trao dồi khả năng điều dưỡng của mình thông qua
công tác tiêm chích. Thật sự, tôi thầm biết ơn những chuyến đi như thế này rất
nhiều.
Thực hiện tiêm
Ngày thứ hai tôi làm nhiệm vụ, tôi được đổi vào một vị
trí khác, chính vì mục tiêu để cả đội thành thạo tất cả các khâu khi làm việc,
chúng tôi luân phiên đổi vị trí cho nhau, thế là tôi bắt đầu thực hiện rút thuốc.
“Vạn sự khởi đầu nan”, khi bản thân thật sự làm một việc gì đó, mới hiểu hết được
những vất vả và khó khăn của những người đang làm công việc ấy. Sự tỉ mỉ và
chính xác chính là những gì tôi hiểu được khi làm việc ở khâu này. Mặc dù không
tiếp xúc trực tiếp với người dân, không có khả năng tiếp xúc với F0 như công việc đo huyết áp hay
tiêm thuốc. Tuy
nhiên, tôi nhận biết được đây là một khâu cực kì quan trọng. Việc
rút thuốc đúng và đủ để tiêm cho người
dân khiến tôi lúc đầu có chút lo lắng, liệu bản thân mình có làm được việc này
hay không, thế là, đội trưởng đã không ngừng động viên khích lệ tôi, đồng đội
cũng đã rất tận tình chỉ tôi những mẹo hay để rút thuốc được nhanh và không để
lại bọt khí, lúc đó tôi đã an tâm hơn rất nhiều. Với tần suất rút hàng trăm mũi
vaccine một ngày để đáp ứng với số lượng người dân đổ về tiêm, tôi cũng đã
nhanh chóng thạo việc sau ngày đầu tiên, và đã thoải mái hơn với công việc này
những ngày sau đó.
Thực hiện rút thuốc
Công việc cứ thế lặp đi lặp lại êm ả dần trôi, có lúc một
số anh chị tại địa điểm tiêm đã phải dừng lại nhiệm vụ để đi cách ly vì xét
nghiệm ra dương tính, số người tại điểm tiêm lại thưa thớt dần đi. Có lúc,
trong số những người dân sinh đến tiêm đã xuất hiện triệu chứng mắc COVID-19 và
tạo ra náo loạn một phen. Nhưng dù có việc
gì xảy ra, việc tiêm chủng vẫn phải tiếp tục, sau vài ngày, chúng tôi nhanh
chóng trả xong mũi 2 cho bà con nơi đây.
Nghỉ ngơi một hôm, đoàn sinh viên lại tiếp tục công việc
tiêm chủng cho các bạn học sinh cấp 2 cấp 3. Các bạn này được tiêm vaccine
pfizer, nên từ sớm các anh chị bác sĩ đã đến kiểm tra và giám sát công tác rút
thuốc và tiêm chủng của chúng tôi, còn tận tình hướng dẫn chúng tôi cách pha
thuốc vì loại vaccine này khác với cái chúng tôi từng làm những ngày qua. Tuy
lúc đầu có chút gượng gạo vì đột nhiên rất nhiều người vây quanh, nhưng chúng
tôi vẫn tập trung hết sức làm công việc của mình. Thật vui là một chị bác sĩ
khen chúng tôi làm việc kỹ lưỡng, điều đó làm chúng tôi lên tinh thần rất nhiều.
Chụp hình lưu niệm tại địa điểm tiêm trường tiểu học Thuận
An
Một góc sân trường tiểu học Thuận An- địa điểm tiêm
7 ngày ở Thốt Nốt nhanh chóng trôi qua, đã đến ngày chúng
tôi phải lên xe trở về trường. Trước đó,
cả đoàn còn được được nhận lời cảm ơn, quà và giấy khen từ địa phương, làm tôi
vô cùng xúc động và biết ơn rất nhiều. Lên đường vì nhiệt huyết tuổi trẻ, lúc
ra về mang theo cả gói tình thương, tôi trân trọng rất nhiều những tình cảm ấy.
Sau mỗi chuyến đi, tình yêu của tôi đối với những công việc này càng lớn, tôi tự
hỏi rằng, nếu được lựa chọn lại thì tôi sẽ chọn con đường nào khác hay không,
câu trả lời là tôi chả nghĩ ra con đường nào khác cho mình ngoài ngành y cả. Thế
nên, tôi sẽ bước tiếp với toàn bộ sức lực và đam mê, và nếu đất nước cần tôi thêm
bất cứ một lần nào đi nữa, tôi vẫn sẽ hết mình mà xách ba lô lên và đi, góp
công sức nhỏ nhoi của mình mang lại bình yên cho mọi người.
Trần Thị Tuyết Hạnh – Lớp YT Khóa 44