Một quyết định “ít cân nhắc”

02/10/2021

Lượt xem: 886

Mãi đến tận lúc gần kết thúc chiến dịch tôi mới chậm rãi hồi tưởng lại những phút giây ban đầu của cuộc hành trình. Có ai ngờ rằng, bỗng một ngày tôi phải rời xa căn phòng trọ quạnh quẽ ấy, đơn côi pha lẫn vài câu cười nói trong mâm cơm bên chị và người em sinh 2 của mình để làm một việc mà có nghĩ thì tôi cũng chẳng buồn nghĩ. Chữ nối chữ đua nhau xoay vần trong trí óc tôi, nên đi hay ở.

Rồi tôi buộc lòng lại đánh đồng nó như những quyết định đơn giản khác - tôi đi chống dịch tại Sài Gòn. Sẽ chẳng khác gì đâu như những cuốc đi tình nguyện khác mà tôi có thể vỗ ngực gân cổ lên mà thẳng thừng dõng dạc rằng tôi có hàng tá kinh nghiệm cho việc đi tình nguyện, tôi ngủ màn trời chiếu đất được, tôi tự điều chỉnh khẩu vị mình cho hợp với người nấu, tôi có thể ăn thời gian rất linh hoạt mà không mảy may thấy đau xót ruột. Được thôi chuyến đi này chắc cũng không là ngoại lệ. Ấy vậy mà mọi thứ như một, à không, là nhiều cái bạt tay vả vào mặt tôi kêu nghe chan chát. Dù cho đã rất tỉnh táo nhưng tôi cũng phải rất ngỡ ngàng bàng hoàng ngơ ngác và bật ngửa với tính chất, cường độ và khối lượng công việc vượt ngoài tầm kiểm soát của một đứa trẻ 20 tuổi hơn này. Dân cư đông đúc và phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm lớn, trang thiết bị y tế kiệm dùng, quy trình xét nghiệm lại khác biệt đôi chút giữa các vùng. Đành nhớ lại một phần nội dung trong thuyết tiến hoá của Charles Darwin: “Những cá thể có khả năng thích nghi cao hơn sẽ có khả năng sống sót tốt hơn” rồi lấy đó mà tiếp tục. 

     Vừa chuẩn bị bàn test xong thì người dân đã hàng thẳng hàng nhìn mãi không thấy điểm tận. Mờ quá! Kính chắn lúc này của tôi vướng phải hiệu ứng nhà kính mất rồi. Tôi không cảm giác được làn da mình nữa chỉ văng vẳng bên tai tiếng lóc bóc của da heo chiên giòn. Thôi tập trung nào. Mới 10 mẫu gộp mà đã 2 mẫu 2 vạch rồi sao. Chú thỏ trong tôi ngôi dậy mà rùng mình. Không sao cả. Bộ đồ bảo hộ này, khẩu trang N95 đạt chuẩn này, mũ chắn tia này, tinh thần thép này. Tôi chẳng quan ngại gì nữa. Tiếp tục thôi. Chậc, mãi cũng xong một khu phố, chẳng biết đã mấy giờ rồi vậy cà, anh taxi à anh taxi ơi. Mới đi lấy mẫu chắc hơn 30 phút mà đã thấy mặt trời lặn qua huốc đỉnh đầu rồi. Trong bộ PPE đã không những hầm bí này mà còn phải mang hàng giờ đồng hồ thực sự mất nước nhiều đến nỗi, thú thật bọn tôi chẳng còn buồn tè nữa. Nhưng dù có trăng sao gì đi nữa chúng tôi vẫn nhớ như in lời thầy cô dặn tôi cùng đồng đội là phải tìm nơi tạm lánh an toàn đã mới hẳn tháo bộ PPE ra. Vừa nắng, vừa khát, vừa đói nhưng khoan đã bạn yêu ơi. Về tắm gột rửa toàn thân, giặt đồ hẳn mới được dùng cơm nhé. Và thế là hết, chúng tôi kết thúc một ngày làm việc. Chung quy lại thì công việc cũng nhàn, chỉ là ngủ một mạch tới sáng. 

     Thuở đầu, gặp mấy anh chị nhân viên y tế trong trạm, quả thật có rất nhiều điều khác nhau xa trong quan điểm, mọi người như có một khoảng cách vô hình với nhau vậy. Không khéo lại đi vào ngõ cụt cho mà xem. Thế rồi mưa dầm thấm lâu. Làm sao có thể khước từ sự dễ thương hoà nhã của sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho được. Nói cho vui vậy thôi nhưng thực ra là vậy.  Mấy anh chị dần dần mỗi ngày gặp chúng tôi đều cười trước nói sau, có hôm còn cho bánh và chè cho mấy bé sinh viên đáng yêu này nữa. Thì ra mấy anh chị không hề khó gần đến thế. Chẳng qua là vì những đêm thức trắng cấp cứu f0 đến mòn mỏi, kiệt quệ. Nhưng từ hôm nay đã có bọn em rồi, cơn dịch này sẽ chóng qua thôi. 

 image001.jpg

Một tấm hình kỉ niệm vui vẻ chụp cùng các anh chị y bác sĩ ở TYT phường 4, quận 11 sau khi kết thúc chiến dịch

 

    Còn nhớ có hôm đi lấy mẫu ở khu phố nhỏ mái tôn xiêu vẹo xập xệ san sát nhau trải dài làm tôi nhớ cảnh làng quê xưa, người dân ở chung nhà nhưng chẳng chung hộ khẩu. Cũng đúng thôi, thành phố xa hoa thật, nhưng đất chật người đông cũng là thật. Lại mơ mộng rồi tôi đang đi lấy mẫu mà cứ mơ mãi về gia đình nhỏ bé ở xóm quê bé nhỏ của mình. Một xóm thân thương từng có một cô bé tinh nghịch bẻ trộm ổi hàng xóm . Sẽ nhanh thôi chúng ta lại được đoàn tụ cùng gia đình mình, sẽ trân trọng và yêu thương nốt những gì còn sót thiếu. Người dân nơi tôi lấy tuy thiếu thốn về vật chất nhưng họ rất lịch thiệp. Tôi không hề thấy một sự chen hàng hay chửi bới hối thúc dưới trời Sài Gòn vào đông lạnh 40 độ C này. Họ hoà nhã đến độ cho dù tôi có đứng đây bao lâu đi nữa, đôi chân này có tạm gác những âu lo mà sụp xuống thì tôi vẫn đứng, vẫn yêu đời, vẫn hăng say vừa chọt mũi vừa hát “đường vào lồ mũi ôi sao đau quá, trời mùa đông nước mắt vẫn hay đi về...”. Đến gần giữa trưa, cô bác anh chị “khách hàng” tìm đến dịch vụ chọt mũi thưa dần thì vang vọng phía mái nhà tôn uốn lượn mà gió thổi ngang lại nghe tiếng âm thanh vui tai cọt kẹt ấy:

 - Con gái ơi con gái, mấy con khát nước không cô có nước mấy con uống nè. 

 - Dạ không cô ơi, tụi con không được uống khi đang mặc đồ bảo hộ ạ. Con cảm ơn cô nhiều lắm. 

Cô quay đi rảo bước về, thật ra lúc này tôi nên quay lại bàn lấy mẫu và tiếp tục công việc nhưng đôi mắt này vô tình lướt theo bước chân cô, cô móc trong túi quần bà ba ra cọc tiền giấy buộc mấy sợi thun quăng cho đứa con mình rồi tiếp theo đó tôi phải chọc mũi người kế tiếp rồi. Tại sao vậy nhỉ? - Tôi bâng khuâng một lát. 

 - Mấy con làm xong hẳn uống nhé, cô để đây vậy - cô tiến đến và để bọc đựng nhiều chai nước suối chỗ một gốc cây gần bàn lấy mẫu của bọn tôi. 

 

image003.jpg 

Nơi góc phố ấm áp mà tôi và các đồng đội nhận được những giọt nước mát lành

 

     Ôi, trái tim nhỏ bé này, cô thật tuyệt vời, phải chăng cô là một người làm vườn tốt bụng và chăm chỉ, cô tưới cho những tâm hồn khô cằn này một dòng nước mát giữa tâm dịch cháy bỏng. Hơn cả một lời cảm ơn, con nguyện dành trọn tấm lòng nhỏ bé này, gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao và lan tỏa yêu thương đi thật nhiều. Ngày ấy vì có người mang cho ta chai nước mát, thế là ta đem lòng yêu cả Sài Gòn. 




Võ Ngọc Xuân Đài - Sinh viên tình nguyện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ