Mưa tháng tám: Mát lành và thanh khiết

26/09/2021

Lượt xem: 535

Lại một mùa Trung thu nữa đã qua. Những mùa Trung thu trước, tôi lướt nhẹ qua những đám múa lân, sư, rồng; hít một hơi thật sâu cái mùi bấc cháy trong cây đèn ông sao; miệng nhâm nhi một miếng trà thơm và cái bánh trung thu đậu xanh hai trứng muối; cặp mắt nhìn về nơi cung trăng xa xăm của chú Cuội và chị Hằng.

Mùa Trung thu năm nay, tay, chân, mắt, mũi, miệng cũng cảm nhận đầy đủ hương vị, nhưng cảm nhận dường như hơi khác: Tay mang găng, chân đi bao ni lông, mũi thoang thoảng một mùi nhựa mới, miệng nếm vị mồ hôi; chắc là chỉ có mắt vẫn nhìn về nơi xa xăm, nơi ánh trăng, nơi hạnh phúc vĩnh hằng.

image001.jpg 

Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang - nơi sinh hoạt sau khi làm nhiệm vụ

Trung thu năm trước, không chỉ có tôi và trăng; trung thu năm nay, tôi, trăng và những người dân nơi mảnh đất Kiên Giang thân thiện, đầy trân quý. Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng viết: “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho. Không bán đoàn viên, ước hẹn hò”. Trung thu năm nay, lại một mùa Trung thu rời xa gia đình, chẳng còn phá cỗ, rước đèn, cũng chẳng có cái bánh trung thu đậu xanh hai trứng muối. Tuy vậy, chính người dân Kiên Giang đã giúp cho tôi cảm thấy mùa Trung thu này gần gũi và ấm áp hơn. 

Ngày đầu tiên, chúng tôi đi về tổ 1, 2, 3, 4 của xã Minh Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Người dân ở đây chủ yếu là lao động nghèo, nhà cửa không mấy khang trang. Chúng tôi băng qua ruộng vào cái mùa đầy nước, đám chuồn chuồn bay thấp lè tè dưới chân chúng tôi. Ở đâu đó trong một căn nhà nhỏ ven bờ ruộng, một người phụ nữ trạc tuổi mẹ tôi đang ngồi câu cá vọng ra: “Mấy chú bên Cần Thơ qua hả? Đi cả ngày mà mặc bộ đồ đó chắc mệt lắm. Thôi ở đó chờ tôi đem 2 trái dừa ra cho nha”. Tôi nhìn anh đội trưởng, không biết phải làm thế nào vì đây là lần đầu tiên tôi tham gia chống dịch. Chắc là anh biết tôi đang phân vân nên anh bảo: “Người ta cho thì cứ nhận đi em, không lấy người ta buồn đó”. Thế là tôi cầm theo 2 trái dừa và lòng nghĩ về cái tình của con người miền Tây, chân chất, thật thà, tuy không giàu có về tiền bạc nhưng lúc nào cũng nặng nghĩa, nặng tình. Nước dừa mùa mưa thì mấy quả nào ngọt, nhưng với tôi, đó có lẽ là trái dừa ngon nhất, mát lành nhất từ trước đến nay.

Ngày thứ hai, chúng tôi vẫn tiếp tục ở địa điểm cũ. Hôm đó, chúng tôi quyết định làm cả buổi trưa để chiều nghỉ sớm. Chú tổ trưởng đi theo chúng tôi để hỗ trợ cũng chưa có miếng cơm nào lót dạ. 12h trưa, trời đứng gió, đứng dưới cái mái hiên hắt nắng, mặc trên mình bộ đồ bảo hộ, mồ hôi nhễ nhại, nhưng lòng thì cảm thấy yên tâm khi chú tổ trưởng bảo với bà con: “Người ta ở tận Cần Thơ qua đây giúp mình, trưa giờ chưa cơm nước gì hết, ráng ráng xíu đi bà con chứ mấy chú đó cực lắm”. Thế là ngày hôm đó chúng tôi kết thúc sớm hơn ngày đầu khoảng 2 tiếng đồng hồ. 3h chiều, chúng tôi nghỉ lại ngoài hiên nhà của một cô giáo cấp 2, cô mang cho tôi và anh đội trưởng 1 bát canh thịt bằm và 2 ly cà phê. Cà phê thì đắng đấy, nhưng mà ngọt ở trong tim.

“Mấy đứa ăn sáng chưa, thầy còn mấy ổ bánh mì với mấy cái bánh in nè, cầm về ăn nha.” – Đó là lời của một thầy hiệu phó trường cấp 2 sống tại Tổ 1, ấp Minh Phú, thị trấn Minh Lương. Ngày thứ 3, chúng tôi được chia về thị trấn Minh Lương vì ở đây phát hiện các ca nhiễm mới, nhiệm vụ của chúng tôi là phải bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Công việc ở đây cũng giống như ở Minh Hoà, chúng tôi vẫn đảm bảo chuyên môn và lắng nghe những câu chuyện bên lề của người dân. Đó là anh Tốt, một người đàn ông độc thân nhưng lúc nào cũng bảo mình có nhiều vợ, anh vui tính bảo chúng tôi là test cho nhanh đi để anh về chở thêm mấy người vợ nữa tới. Chúng tôi phì cười và trêu anh là mẫu test lần đầu hỏng rồi nên muốn lấy lại thêm lần nữa. Thế là anh lên xe bỏ về mà vẫn không quên là kêu sẽ chở vợ của mình lên. Chúc anh sớm cưới được vợ nhé!

Tham gia mỗi chiến dịch, giúp cho tôi hiểu được thêm nhiều điều nơi quần chúng. Bên cạnh được gia tăng thêm kỹ năng chuyên môn, được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, tôi còn thấu hiểu hơn về những điều mà chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Đi đến những địa phương, nhân dân ủng hộ, là điều mà mỗi cán bộ, nhân viên y tế mong muốn hơn hết thảy. Ở đâu đó vẫn còn những bài báo viết về sự việc nhân viên y tế bị hành hung, nhất là trong mùa đại dịch này, nhưng tôi may mắn hơn những bậc tiền bối khi người dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang hợp tác và còn tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh. 

image001.jpg 

Ảnh chụp cá nhân sau khi mặc bộ đồ bảo hộ chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu cộng đồng tại xã Minh Hòa, Huyện Châu Thành, Tỉnh Kiên Giang

Tôi cảm nhận được tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc. “Nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta”, từ những nhà sư trong chùa, đến những đồng bào dân tộc thiểu số như Chăm, Khmer, … đều chung tay chống dịch, tuân thủ theo đúng nguyên tắc 5K. Đội chúng tôi ngoài nhân viên y tế còn có sự giúp sức của thầy giáo thể dục và cô giáo mầm non, tuy không cùng chuyên môn, nhưng họ vẫn là những người cộng sự tuyệt vời để chúng tôi có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

image001.jpg 

Đội lấy mẫu và cô giáo mầm non chụp tại chùa ở ấp Minh Phú, xã Minh Hòa, Huyện Châu Thành, Tỉnh Kiên Giang

 “Và tôi biết, tôi phải nói lời cảm ơn. Cho tôi sống, những tháng những ngày rất xanh”. Xin cảm ơn anh Giang, người đội trưởng dìu dắt tôi từ những ngày đầu đến hôm nay. Cảm ơn Thanh Hân và Đại Vủ đã giúp đỡ, hỗ trợ cho đội chúng tôi vào ngày cuối cùng. Cảm ơn chị Trúc khó tính nhưng vô cùng đáng yêu. Cảm ơn tất cả thành viên của xe 19 xã Minh Hoà. Cảm ơn các thầy cô đã theo sát, chăm lo cho chúng em. Cảm ơn các đồng chí Thành Đoàn Cần Thơ đã đi theo hỗ trợ cho các tình nguyện viên. Cảm ơn các cấp, các ngành địa phương đã giúp đỡ cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Và đặc biệt, xin cảm ơn những người dân đáng quý của mảnh đất Châu Thành, Kiên Giang, hi vọng rằng, vào một ngày dịch bệnh được khống chế, chúng ta lại được gặp nhau.

image001.jpg 

Hoàn thành nhiệm vụ trở về Cần Thơ cách ly thêm một tuần dưới cơn mưa

Người ta thường bảo thanh xuân như một cơn mưa rào, tuy bị ướt nhưng ai cũng muốn tắm thêm nhiều lần nữa. Và cơn mưa mùa Trung thu năm nay của tôi cũng vậy, thật mát lành và thanh khiết. 


Trần Nhân Kiệt – YC khóa 45