Năng lượng từ những sẻ chia

01/09/2021

Lượt xem: 337

Em hay nói đùa với bạn bè là “Mình là con nhà có công với cách mạng nên mỗi khi Tổ Quốc kêu là mình chiến” hay “con nhà nồi mà, mấy này có là gì”. Không biết thừa hưởng gen này từ ai, nghe kể hồi đó, ba tầm mười mấy tuổi đã trốn nhà đi theo bộ đội tận 3 lần còn mẹ mình thì năm nay đã về hưu nhưng vẫn sẵn sàng chờ lệnh để vào tiếp ứng.

Em hay nói đùa với bạn bè là “Mình là con nhà có công với cách mạng nên mỗi khi Tổ Quốc kêu là mình chiến” hay “con nhà nồi mà, mấy này có là gì”. Không biết thừa hưởng gen này từ ai, nghe kể hồi đó, ba tầm mười mấy tuổi đã trốn nhà đi theo bộ đội tận 3 lần còn mẹ mình thì năm nay đã về hưu nhưng vẫn sẵn sàng chờ lệnh để vào tiếp ứng. Nên là đứa con gái nhỏ của ba mẹ khi nghe tin Trường kêu gọi đi chống dịch thì em đã đăng ký đi ngay, cảm thấy không vì lý do gì mà chỉ đơn giản là vì em muốn được đi, muốn được tham gia, muốn được góp một chút gì đó hay chỉ là muốn giúp các anh chị bớt áp lực và các bệnh nhân có thêm động lực và nhất là muốn có những kỷ niệm khó quên khi tuổi còn “xuân xanh”. Như lời Thầy Ts.Bs. Nguyễn Thành Tấn đã nói ở lễ ra quân BVDC số 1 là “Các bạn ơi, viết nhật ký đi các bạn mỗi ngày làm việc, mỗi câu chuyện tại bệnh viện dã chiến này là kỷ niệm đẹp, dấu ấn không thể nào quên trong đời”.

image001.jpg

Phan Minh Thy, sinh viên trường Đại học Y dược Cần Thơ thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1, TP Cần Thơ

Khi nghe 4 từ “BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN” thì đã thấy những nguy hiểm rất rõ khi mình là đối tượng nguy cơ nhất, mình sẽ tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân F0 với khoảng cách rất gần và còn là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho các bệnh nhân ở đây. Khó khăn đầu tiên và chắc là kéo dài lâu nhất là bộ đồ bảo hộ PPE và chiếc khẩu trang N95. Mùa này đang là mùa nóng mà khoác lên mình bộ đồ vừa nóng vừa kín và không thể thoát nhiệt mà còn đi đi lại lại liên tục, chiếc khẩu trang thì dây đeo rất siết đau lỗ tai nên mọi người nghĩ ra nhiều cách như tai thỏ, rồi lại nhét bông gòn để giảm tình trạng viêm đau 2 vành tai. Ngoài thời gian làm việc tại khu điều trị, chúng em cần phải đeo khẩu trang 24/24 kể cả khi ngủ để phòng lây nhiễm giữa nhân viên y tế với nhau. Một phòng tại ký túc xá được phân bổ 4 người nhưng khi ăn thì từng người một vì không thể cùng lúc có 2 người cởi bỏ khẩu trang.

image001.jpg

Phan Minh Thy cùng đồng độ thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1, TP Cần Thơ

Kỷ niệm của những ngôn ngữ hình thể siêu đẳng cấp đáng yêu. Hôm đó khi lên ca, bận lên trên mình bộ bảo hộ PPE rất nóng nhưng khi thấy những bạn khác, những đồng nghiệp của mình ở những khâu khác thì rất mừng. Đang làm thì có 3 bạn bên đội kiểm soát nhiễm khuẩn đi xịt khử khuẩn khu tiếp nhận bệnh, em và bạn mình hẹn nhau là khi 3 bạn quay lại sẽ làm 1 trái tim thật to và thật vui khi 3 bạn ấy là đáp lại bằng hàng loạt những cơn mưa bắn tim, trái tim to rồi trái tim nhỏ rồi lại những hành động cố lên, sức mạnh của cả 2 bên truyền cho nhau, cảm giác như sức mạnh được sạc pin tận 200%. Một hôm sau khi xách giao cơm thở không muốn nổi, ngồi nghỉ trước quạt, nhìn lên tầng trên thì có bệnh nhân đi lấy nước, em chỉ chỉ vào khẩu trang, ý kêu kéo sát lên thì nhận được những trái tim to thật to từ em bé đó, cảm động quá đêiiiii. Mỗi khi có bệnh nhân xin hỗ trợ các nhu yếu phẩm thì em luôn viết lên bọc đựng dòng chữ “mau khỏe nhé!”

image001.jpg

Sinh viên tình nguyện trường Đại học Y Dược Cần Thơ thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1, TP Cần Thơ

Có một hôm lên ca, hôm đó nhận bệnh rất đông, 3 chiếc xe cấp cứu phía trước và còn 2 chiếc chờ trước cổng, mọi người trong kíp mỗi người một việc để kịp tiến độ công việc. Em bắt gặp một hình ảnh rất đỗi dễ thương mà khá xúc động. Đó là 2 anh em F0, người anh khoảng mười mấy tuổi còn em trai thì chỉ tầm 4,5 tuổi khá ngoan ngoãn ngồi trong lòng anh và không có ba mẹ đi cùng. 2 anh em bận đồ bảo hộ, trong lúc ngồi đợi đo dấu hiệu sinh tồn thì người anh lấy đôi găng tay của mình thổi lên thành hình 1 chiếc bong bóng bàn tay đồ chơi cho em mình và 2 anh em ngồi lặng lẽ trên 1 cái ghế tự vui đùa với nhau và đợi chuyển đi. Khi thấy hình ảnh đó em bị rưng rưng nước mắt.

image001.jpg

Sinh viên tình nguyện trường Đại học Y Dược Cần Thơ thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 1, TP Cần Thơ

À còn kỷ niệm là vô đây em làm họa sĩ vì bận PPE thì không phân biệt ai là ai nên mọi người viết tên và vẽ cho nhau những điều đáng yêu. Em đã xài hết 3 cây viết lông cho việc này. Và đây là lần đầu tiên em biết em cũng có khả năng vẽ.

Bây giờ thì chỉ có một mong muốn duy nhất thôi, “hết dịch”. Hết dịch để mọi người khỏe mạnh, hết dịch để mọi người còn quay về cuộc sống cũ, hết dịch để mọi người nhận ra sức khỏe rất quan trọng, và hết dịch để em còn dược về quê, với ba với mẹ và với Mỡ Mỡ (cháu em).


Phan Minh Thy - Sinh viên năm 6 chuyên ngành Y đa khoa