Nhật Ký Những Ngày Tình Nguyện - Chốt Trung tâm thông tin, Sở Y Tế
Lượt xem: 752
Nhìn những hình ảnh cao đẹp của những bác sĩ tuyến đầu trong màu áo blouse trắng đầy nhiệt huyết đã và đang trong một trận chiến chống dịch bệnh virus Covid-19 một cách nghiêm túc và nhiều hy sinh, đó là lý do mà hôm nay chúng tôi có tên trong danh sách lực lượng sinh viên tình nguyện cho đội phản ứng nhanh phòng chống dịch của trường Đại Học Y Dược Cần Thơ và các hoạt động khác của TP Cần Thơ.
Vào buổi chiều của ngày cuối cùng trong tháng 3, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại từ cô giáo ở trường cần huy động gấp lực lượng cho việc nhập số liệu kiểm tra khai báo y tế theo chỉ thị 16 của thủ tướng chính phủ, chúng tôi được yêu cầu 30 phút sau phải có mặt tại chốt trung tâm đặt tại Sở Y Tế Thành phố Cần Thơ để nhận nhiệm vụ. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, điện thoại vừa dứt, 15 phút sau chúng tôi cùng 6 đồng đội của mình đã có mặt tại địa điểm theo yêu cầu, không ai bảo ai, nhưng mỗi chúng tôi đều tự nhủ, sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào chiến dịch chống Covid-19, giữ gìn thành phố Cần Thơ nơi chúng tôi đang sinh sống được an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Mỗi một ngày trôi qua trong đợt chiến dịch tình nguyện, chúng tôi cảm nhận được tình yêu thương, sự tin tưởng của người dân vào lực lượng y tế, dù chỉ là những sinh viên y khoa còn ngồi trên ghế giảng đường, nhưng với tôi và những đồng đội của mình nhận thấy được trách nhiệm của người nhân viên y tế trong việc bảo vệ an toàn, chăm sóc sức khỏe của người dân; chúng tôi cảm thấy yêu thương hơn, càng gắn bó hơn với con đường mà chúng tôi đã chọn, cố gắng học tập và rèn luyện để trở thành một người bác sĩ thực thụ trong tương lai. Nhiệm vụ của chúng tôi tại chốt trung tâm là nhập dữ liệu khai báo y tế, xử lý số liệu và điện thoại cho người dân xác minh nơi đến và đi trên địa bàn Cần Thơ, phân cấp thông tin về cho các quận, huyện trên địa bàn nắm rõ lượng dân cư đến và đi, khoanh vùng dịch tễ trong những ngày thực hiện chỉ thị số 16 của Chính Phủ . Chúng tôi may mắn hơn khi được làm việc tại hội trường, không phải đối diện với cái nắng gay gắt, hay với những cơn mưa đầu mùa như các bạn phải đứng ở các cửa ngõ giao thông để lấy thông tin khai báo y tế; chính vì điều đó đối với mỗi người chúng tôi đều tự nhủ phải làm thật tốt nhiệm vụ của mình: xử lý nhanh thông tin, xác minh dịch tể từ nguồn nhập liệu của các bạn đưa về để chuyển về địa phương quản lý; thỉnh thoảng trong công việc chúng tôi phải đối diện với những “ca bệnh khó” như: chữ viết khó đọc, địa chỉ được cung cấp khi tra cứu thông tin trên bản đồ được trả về với nội dung “không tồn tại”, hay những số điện thoại “thuê bao không chính xác”, hoặc người nhận nghe nhưng “hỏi làm chi?”… thế là cả bọn lại cùng nhau “hội chẩn chuyên môn” cùng tháo gỡ khó khăn để đảm bảo cho nguồn nhập liệu ở độ tin cậy cao nhất.
Những ngày đi tình nguyện cùng nhau, từ những người xa lạ, mọi người chúng tôi ngày càng trở nên gắn bó, như anh em một nhà; và giờ đây chúng tôi gọi nhau với cái danh xưng “đồng chí”, “đồng đội”; cùng nhau chia hộp cơm trưa, chai nước suối; động viên nhau lúc mệt mỏi, chung sức đồng lòng cùng hoàn thành tốt công việc được giao. Nhắc đến đồng đội thì phải nhắc đến anh Hải – nhân viên của Sở Y Tế mà chúng tôi trìu mến đặt cho cái tên “ Hải mama”, người đã dẫn dắt chúng tôi trong công việc; mỗi ngày một nhắc nhở, mỗi giờ một lưu ý để chúng tôi có thể làm việc không sai sót, mang lại hiệu quả nhất, không chỉ vậy đúng với cái tên “mama” của mình, anh chăm cho chúng tôi từng bữa ăn sáng, ăn trưa, ăn xế; nước suối, trà sữa, cà phê…mà theo anh nói là “có thực mới vực được đạo”, mong chúng tôi nhiều sức khỏe, vững được tinh thần để cùng anh đi chặng đường dài trong công tác chống dịch; những lúc mệt hay sa sút tinh thần chúng tôi nhìn nhìn anh như nguồn năng lượng của mình, và tự nhủ anh làm được, chúng tôi cũng sẽ cố làm được. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có một “mama” thứ 2 là cô giáo ở trường, cô luôn động viên, tiếp sức cho chúng tôi trong công việc, để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chúng tôi còn được thầy hiệu trưởng và cô hiệu phó ghé đến thăm chốt, những lời hỏi thăm, động viên, những giấy khen từ thầy cô là những liều thuốc tinh thần giúp chúng tôi thêm năng lượng, sức mạnh để tiếp tục công việc tình nguyện của mình.
Hình: Các thầy cô trong ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trường Đại học Y Dược Cần Thơ đến thăm và khen thưởng cho các bạn sinh viên tại chốt trung tâm thông tin - Sở Y Tế
Chiến
trường mà chúng tôi đang đóng quân trong trận chiến có đầy ắp những niềm vui từ
thầy cô, từ “mama”, từ đồng đội, từ công việc mà chúng tôi đang cống hiến;
nhưng mỗi chúng tôi đều mang theo một nỗi niềm với câu hỏi “dịch bệnh có thể
qua thật nhanh được không? Chúng tôi nhớ lắm những dãy ghế giảng đường, nhớ bục
giảng, thầy cô và còn rất nhớ gia đình nữa?”. Nhưng những câu hỏi đấy chỉ
thoáng qua, bởi chúng tôi biết rằng, ngày hôm nay đây chúng tôi đang có mặt ở
đây chính là đang giúp trả lời cho câu hỏi đấy, trả lời cho niềm mong mỏi chiến
thắng dịch bệnh của mỗi người dân Việt Nam.
Cảm
ơn những bài học mà chúng tôi đã học không phải từ ghế giảng đường, cảm ơn
những người anh chị, người đồng đội mà chúng tôi đã gặp, cảm ơn cuộc điện thoại
của buổi chiều hôm ấy đã đưa tôi đến nơi đây, để tôi được cống hiến, được góp
một phần sức nhỏ bé của mình cho đất nước.
Tình đây người
đó, nơi nơi nhớ về
Nhớ ngày gian khó vai kề
Để ngày từ biệt tái tê chẳng
đành
Yêu thương đâu phải để dành
Kỷ niệm đâu phải sẽ nhanh
lụi tàn
Dù cho chiến dịch khép màn
Nhưng tuổi trẻ vẫn chứa chan
nhiệt tình
Một cuộc trải nghiệm đầy
cảm xúc, chúng tôi luôn nhớ mãi những giây phút này và chúng tôi cùng nghĩ các
bạn tình nguyện ở các chốt cũng giống như tôi.
Chúng tôi tin rằng với sự
lãnh đạo của nhà nước cùng với sự đồng lòng của nhân dân ta sẽ thành công trong
chiến dịch đẩy lùi dịch bệnh này.
Where there is unity there is always victory !
Cần Thơ, Ngày
18/04/2020
Nguyễn Văn Tỉnh – Đoàn Thị Hồng
Y Khóa 33
.