Nhật kí của tôi

12/10/2021

Lượt xem: 280

Tôi – một chàng sinh viên ngành điều dưỡng năm nhất, một người khá nhút nhát và có thiên hướng sống nội tâm. Nên tôi đã bỏ qua rất nhiều cơ hội trong cuộc đời của mình, cơ hội được giao lưu, học hỏi và tiếp thu thêm nhiều kinh nghiệm sống cho bản thân. Cụ thể là ngay khi nghe thông báo Trường mở các cuộc chiến dịch chống covid dành cho sinh viên, cái nhút nhát và sợ sệt bao trùm lấy tôi, nên tôi đã không đăng ký.

Trong khi những người anh, chị, bạn bè của tôi cẩn thận từng li, góp từng chút sức trong công cuộc tình nguyện thì tôi ở đâu? Tôi ở trọ, không làm gì cả! Ngồi buồn không có gì làm nên tôi bắt đầu lên xem tình hình dịch bệnh, các chương trình phát triển bản thân. Tình cờ tôi biết đến kênh quyettammanh , một kênh truyền đến cho tôi nguồn cảm hứng và động lực bất tận. Những câu nói như đánh thức tôi thoát khỏi con quỷ nhút nhát và sợ hãi: “Hãy nhớ rằng: không có việc gì trên đời này khó tới mức người ta làm được mà mình không làm được”. Đúng vậy, tại sao mình không vùng vẫy, không tham gia công việc mà ai cũng làm được chứ. Thế là tôi quyết định: có link đăng ký mới là phải tham gia liền thôi. Và đây là nhật ký chuyến đi, cũng là nhật ký đầu tiên của tôi.

(Ngày 16/9/2021) Chuyến đi của tôi mang tên: “Chiến dịch Giang Thành - Kiên Giang.” Thật sự là một chuyến đi tràn đầy sự thú vị và bất ngờ. Bất ngờ đầu tiên đó chính là về anh leader, anh ấy chính là leader của anh tôi trong chiến dịch trước( khi anh tôi đi thì tôi còn ở trọ ấy). Qua lời kể của anh tôi thì anh ấy khá là kĩ tính. Lần đầu bước vào hội trường lớn rất bỡ ngỡ, bỡ ngờ vì lần đầu mình được tập huấn, bỡ ngỡ vì xung quanh toàn những anh chị đã tham gia nhiều chiến dịch rồi, bỡ ngỡ vì trong tay bấy giờ chưa có một chút kinh nghiệm nào. Nhưng anh leader đã nói:” Yên tâm, vô tay anh thì nghe lời anh, mọi thứ anh hướng dẫn hết”, tôi thấy tự tin hơn một chút. Ngồi vào ghế trên hội trường về sau, tôi rất chăm chú các thao tác tập huấn, nhưng vẫn không quên để ý xung quanh, bên trái là anh leader, bên phải là một anh rất soái, cũng có hỏi thăm mới biết anh học xét nghiệm, có kinh nghiệm đầy mình vì anh ấy là một trong lực lượng tuyến đầu, tham gia cả bệnh viện dã chiến. Tập huấn xong, làm lễ xong, thế là cả đoàn cùng lên xe. Đoàn của tôi gồm 2 xe số 4 và số 5 xuất phát tại trường và điểm đến là Khu Quân sự huyện Giang Thành - Kiên Giang. Chúng tôi cũng rất ít nói chuyện trên xe. Cắm chiếc tai nghe vào, xem lại các các thao tác tập huấn lúc nhớ lúc quên, xong xuôi bật một vài bài nhạc thư giãn. Êm đềm chìm vào giấc ngủ chờ đến nơi.

Nói thì nói là ngủ, nhưng có ngủ được mấy đâu. Cái lần đầu nó ấn tượng lắm, toàn nghịch đủ thứ thôi. Ngắm cảnh này, quay phim này, làm đủ trò trong suốt đường đi cơ. Và rồi cuối cùng cũng tới nơi. Và đây, bất ngờ thứ hai, tôi:” ủa, không phải khách sạn sao”, tất nhiên là không rồi, huyện chúng tôi đến khá là “nông thôn” nên cũng không có khách sạn nào hết. Mà chính là khu quân sự. Mới đầu thì tôi thấy mọi người có vẻ hơi thất vọng. Nhưng không, tin tôi đi, bất ngờ thứ ba không làm ai thất vọng đâu. Nhưng trước hết, nói đến khu quân sự này, nằm cạnh biên giới Việt- Campuchia, thoáng mát, rộng rãi. Tiện nghi tất cả không thiếu so với một khách sạn, có khoảng sân rộng, bóng chuyền, hết thảy đầy đủ, được cái về đêm muỗi hơi nhiều. Tôi biết nhiều bạn ở đây sẽ bảo: Ở đây sao bằng được khách sạn chứ? Thú thật, tôi không phủ nhận điều đó, nhưng mỗi nơi sẽ có một điểm ưa thích riêng của nó. Người thích thiên nhiên, phong cảnh, gió trời, sân rộng, người thích điều hoà, tivi máy lạnh. Tôi thì sao cũng được, miễn đủ tiện nghi. Đến đây, nam và nữ sẽ ở 2 khu riêng biệt, cách nhau một khoảng sân. Chúng tôi chia ra, sắp xếp mọi thứ, cũng đồ đạc đâu vào đó thì trời vừa chập tối. Đây, khoảnh khắc tôi quen biết nhiều hơn với mọi người. Ban đầu mới chỉ giới thiệu, hỏi tên các anh, còn quên ngược quên xuôi. Nhưng thầm nghĩ, ở chung lâu thì nhớ tên là chuyện nhỏ. Ngồi ăn chung, nói chuyện rất nhiều với mọi người, vì là năm nhất nên những câu chuyện chuyên môn, lâm sàng này kia, tôi chỉ lắng nghe và tiếp thu thôi. Nhưng những câu chuyện ấy, có lẽ sẽ giúp tôi rất nhiều trên con đường sắp tới của mình. 

image001.jpg

                                         Đoàn tình nguyện Giang Thành- Kiên Giang

(17/9/2021) Một đêm trôi đi, ngày mới lại đến. Ngày đầu tiên làm việc trong hành trình chống dịch bắt đầu. Chúng tôi được từng chiếc xe mở từng đội đến nơi tập trung. Đến nơi, kiểm tra kĩ các gói đồ, chúng tôi lại tiếp tục lên xe máy của đội hỗ trợ tại địa phương để đến những xã khác nhau của huyện Giang Thành. Đội của tôi thuộc Ấp T4, đi trên chiếc xe máy của chị hỗ trợ, thật bất ngờ, chị ấy cũng là một điều dưỡng viên, một tiền bối trong cùng ngành tôi học, cũng là một cộng sự trong đội của tôi lúc đấy. Chiếc xe đi trên con đường làng, vượt qua các cánh đồng bao la. Ôi! những cánh đồng lúa chín thẳng cánh cò bay, những người dân lam lũ cắt lúa, xa xa những cánh rừng bạt ngàn... Ôi thật đẹp, thật thơ mộng. ”STOP”. Chúng tôi đến đây làm nhiệm vụ mà. Thế là hết thơ mộng, bắt đầu vào công việc thôi. Việc tập kết người dân đến khu lấy mẫu lần đầu khá thuận lợi. Anh leader chỉ tôi cách mặc PBE rất chuyên nghiệp. Bộ đầu tiên tôi mặc chính là bộ PBE cấp 3 màu trắng. Với tính chất công việc là làm liên tục trên bộ đồ cấp 3 giữa trời nóng. Thật không dễ dàng với người mới như tôi. Nhưng với sự cố gắng, chúng tôi đã hoàn thành chỉ tiêu hôm ấy. Trở về sau một ngày làm việc khá là công phu. Chúng tôi lên xe và về điểm xuất phát. Thật vui khi hôm ấy chúng tôi không phát hiện ca nghi nhiễm nào nên hôm sau chúng tôi được nghỉ ngơi 1 ngày. Ngày hôm sau, một trong những ngày khiến tôi cảm thấy tràn đầy năng lượng, tôi còn chụp lại một bức ảnh đăng story với captionlà “ buổi sáng tốt lành ở biên giới” cơ. Tôi thấy mình tự tin hẳn ra, nói chuyện với các anh cũng bớt ngại đi. Rút ra kinh nghiệm sau một ngày làm việc, cảm thấy mình có thể làm tốt hơn trong những ngày tiếp theo.  Công việc mà, sao có chuyện êm xuôi mãi thế được. Ngày hôm sau trong lúc đang làm thì trời đổ mưa. Mới mưa có một chút xíu thôi mà dân dã phản đối, nói chuyện rất nhiều, điều phối không thể quản, thực sự thì lúc ấy làm việc trong môi trường vừa tối vừa nóng nên rất khó. Cái đèn flash của cái điện thoại phải bật suốt trong quá trình đọc test mới chính xác được. Tôi biết cái khổ của chúng tôi, nhưng người dân không hiểu. Nhiều khi phải chịu người dân nói này nọ. Việc tập trung hôm ấy cũng rất khó khi cứ cách một khoảng thời gian dài lại có một người tới. Khiến quá trình đọc test diễn ra rất lâu. Đến tối, cuối cùng cũng xong, chúng tôi lại về, nhưng uể oải hơn hôm đầu tiên rất nhiều. Mọi việc khó càng khó hơn khi vào ngày cuối lấy mẫu PRC, chúng tôi đã cố gắng đến sớm, sắp xếp mọi thứ ổn thoả để đẩy nhanh công việc. Nhưng người dân lại không chịu hợp tác. Nhiều trường hợp đến sau nhưng đòi lên trước không theo danh sách, nhiều thì lại viết xong danh sách lúc đọc tên thì đã về. Lại còn có người mới tới, chưa đâu đã mắng chúng tôi không chuyên nghiệp, còn có các hành động giống côn đồ đòi đánh người. Điều phối địa phương không quản được. Chúng tôi phải gọi thêm người qua giúp đỡ xử lý một số trường hợp như thế. Đấy công việc mà, đâu mãi suôn sẻ. Sau hôm cuối ấy, cuối cùng cũng xong đợt này, mọi người lại cười nói vui vẻ. Lại tiếp tục bàn chuyện, tán gẫu đủ thứ chuyện.

image001.jpg

                                          Anh leader kỹ tính và chuyên nghiệp

Đêm cứ tiếp tục như thế. Nhưng nếu không nói, các bạn không biết bất ngờ thứ 3 tôi từng đề cập qua là gì đâu nhỉ. Đó là chúng tôi được giao lưu với xóm trọ làng bên đấy mọi người. Tất nhiên đoàn chúng ta mà có chơi chung hết kiểu gì chả vui hơn nào? Đánh bóng chuyền, đá cầu, chạy bộ. Rất vui nhộn nha. Tuy là có mệt mỏi trong công việc nhưng tinh thần thể thao nâng cao sức khỏe của mọi người vô cùng tốt. Vì là em út nhỏ nhất trong đoàn cộng với tôi giống một nhân vật trên video mạng nên tôi có cái biệt danh rất ngầu và hài hước. Cái biệt danh mà về sau tôi hỏi ai, người ta cũng chỉ biết biệt danh của tôi chứ không biết tên tôi. Còn về biệt danh gì ư? Bí mật đấy, chỉ người trong đoàn tôi mới biết thôi. Cứ sau một ngày làm việc là một ngày nghỉ,  vì không có ca nghi nhiễm dương nào nên cũng bớt áp lực hẳn. Và cuối cùng, chúng tôi kết thúc chuyến tình nguyện của mình. Đêm trước khi về, chúng tôi có nghe tin là chúng tôi sẽ bị điều về trường CSND III để cách ly. Tôi thì không biết sao chứ các ông anh thấy nản vô cùng. Nghe đâu điều kiện ở CSND III vô cùng tồi tệ. Ở đây còn đẹp đẽ chứ về đấy thì thôi xong, một trời một vực. Tôi nghe xong cũng thấy buồn. Nhưng hôm sau, dường như thấu hiểu nỗi lòng của các tình nguyện viên nên chúng tôi đã được đưa về trường bồi dưỡng nghiệp vụ CS. Điều kiện ở đây tốt hơn hẳn. Chúng tôi tiếp tục được cách ly tại đây 7 ngày. Trong 7 ngày này, cũng như bao đợt cách ly khác nhưng chúng tôi cùng phòng, được gắn kết tình anh em, được chia sẻ thêm, được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm hơn. Tôi thấy vui lắm.

Cũng tại đây, tôi đã có một gia đình nhỏ, gia đình gồm 10 thành viên, biết quan tâm, giúp đỡ nhau. Đầu tiên là anh Thiên “Trưởng đoàn Phú Quốc” hài hước mà chúng tôi hay gọi, tiếp theo là anh leader của tôi rồi, anh Tín, một người rất kỹ tính và làm việc rất chuyên nghiệp trong quá trình lấy mẫu. Mỗi người có một tính cách riêng, các ấn tượng đặc biệt không lẫn vào đâu được. Một là anh Phúc, hai là anh Phúc luôn, cùng với “Trưởng đoàn Ninh Kiều” anh Tô Minh Thiện, rất đẹp trai và cao nhất gia đình. Auto với những câu nói: “Thắng nhóc” cái câu mà anh Trịnh Minh Tài luôn bị nhiễm khi nói chuyện với tôi đó là anh Nguyễn Trọng Nghĩa. Còn hát rất hay, chơi game căng thẳng là cởi áo chính là anh Tâm, leader của anh Tài. Ngoài ra, không thể thiếu chính là Chị Hằng cùng bạn SuKi, gia nhập gia đình muộn nhất vào lần tổ chức sinh nhật cho anh Nguyễn Trọng Nghĩa. Nhưng thêm thành viên thêm vui mà, chị Di Ha rất chi là Di Ha luôn. Không biết nói sao nhưng có chị là mọi chuyện cứ rất vui. Chị có kể, đừng để chị say, nếu không chị sẽ khóc toáng lên cho mà xem. Từ đó mọi người đều sợ chị khóc a! Còn nữa, chị ấy không sợ phim ma, nhưng đó là lúc chưa xem thôi, còn xem rồi thì, mọi người biết đấy... Còn về Suki tên là Ái Như, tên như ý nghĩa. Rất thông minh và cân mọi kèo. Kèo gì thì mọi người trong gia đình mới biết thôi haha. Gia đình nhỏ của tôi là thế.

 image001.jpg

Và cuối cùng - Gia đình nhỏ của tôi.

Kết thúc 7 ngày cũng là ngày chúng tôi quay về điểm xuất phát, nhưng điểm ấy không phải là khởi điểm, mà là một điểm khởi đầu khác. Khởi đầu của sự chín chắn, tự tin hơn trong tôi. Khiến tôi hiểu hơn về cuộc đời, về sự thăng trầm mà nhân sinh ai cũng phải trải qua. Qua đó rút ra được nhiều bài học cho bản thân. Đặt chân về mái trường Đại Học Y dược Cần Thơ , ngẩn ngơ một chốc, tôi tự hào, tự hào vì mình chọn ngành y. Cảm ơn tất cả mọi người, cảm ơn một chuyến đi đáng nhớ.

Cuối cùng, đội của chúng tôi vẫn không hề chia xa nha! Chúng tôi đã có lịch hẹn, một ngày nào đó sau cuộc đại dịch COVID-19 đi qua, chúng tôi vẫn sẽ tụ họp lại và làm một buổi tiệc thật hoành tráng đấy.

                                                           

                                                        Nhật kí chống dịch chuyến Giang Thành - Kiên Giang


Võ Thành Châu - Lớp CNDD khóa 46