Nhật ký Phong Điền

18/04/2020

Lượt xem: 377

Vừa kết thúc xong 4 tiết học online của nhà trường cũng vừa đúng 11h, tôi lại chuẩn bị để kịp cho chuyến hành trình của mình tại chốt Phong Điền. Vội ăn nhẹ hộp cơm, quần áo tươm tất, không quên đem vài cuốn giáo trình để ôn bài giữa lúc trưa rảnh rỗi. Tôi phải nhanh chân đúng 12 giờ vì đồng đội tôi đã bận bịu từ trời chưa ló rạng.

Chạy gần 20km giữa cái nắng gay gắt của Cần Thơ, con đường  “dằn” (gồ ghề) ấy đã quá quen thuộc với chúng tôi trong mùa dịch này. Tôi không biết là: do trên con đường có con sông hiền hòa nép mình trải dọc theo hàng cây xanh tản bóng mát, đã làm chúng tôi mát mẻ, dễ chịu. Hay là tinh thần “chống dịch như chống giặc” của tình nguyện “màu áo blouse trắng” đã làm chúng tôi mạnh mẽ, vui tươi đến quên cả nắng nóng vậy. Nhắc đến Phong Điền tôi lại nghĩ nhờ chuyến đi tình nguyện này mà tôi có duyên với mảnh đất này – mảnh đất của vườn trái cây và những con người chất phác, thật thà. Nó yên bình, đầy ắp tình thương dành cho chúng tôi khi làm nhiệm vụ ở đây 12 tiếng một ngày. 

Tới nơi cũng đúng 12 giờ, tôi được chào đón bằng nụ cười, những câu nói nghe bình dị, mộc mạc vô cùng “Ăn gì chưa em?”,  “Ăn trái cây, uống nước nè!”… Không khéo người ta lại nghĩ chúng tôi đi chơi nhiều hơn là làm nhiệm vụ, nhưng họ đơn giản vậy đó! Nói cười cho vui rồi ai cũng vào việc nấy, mỗi đơn vị theo sự phân công mà vào vị trí. Rồi rửa tay, đeo khẩu trang và bắt đầu chinh chiến với công việc thôi! Tuổi nhỏ thì làm việc nhỏ, chúng tôi được bố trí ngồi ghi thông tin, địa chỉ, phân bố vùng dịch để giúp Sở y tế làm danh sách người dân ra vào trên địa bàn Cần Thơ. Còn mấy Cô y tế thì đo thân nhiệt, mấy Chú công an thì ra lệnh dừng xe, kiểm tra,… Nhưng có vẻ chúng tôi may mắn hơn, vì nơi làm việc của tôi là trong cái trại được che mát còn Cô, Chú ấy thì phải ở ngoài giữa cái nắng nóng chặn từng xe, từng người để kiểm tra. Công việc cứ lặp lại như vậy, hết người này vào rồi lại đến người khác vào kê khai, xuất trình giấy tờ. Chúng tôi không chỉ ngồi ghi chép mà còn hướng dẫn người dân cách phòng chống, bảo vệ, khai báo trên điện thoại, cách rửa tay,… Cái tôi thực sự nể phục những “chiến binh thép” ấy là dù mệt mỏi, căng thẳng, vất vả nhưng họ luôn cười và nhiệt tình hướng dẫn người dân chấp hành. Tôi càng ngã mủ và trân trọng hơn khi nỗi cực ấy càng lớn khi về đêm, lúc chúng tôi được nghĩ ngơi thì họ vẫn trực. Các anh không được ngủ, vì quá muỗi, vì nước mình còn dịch bệnh nên thức trắng cả đêm và ngồi tâm tư cho qua cơn buồn ngủ. Sáng hôm sau các anh còn đưa hai tay khoe với tôi rằng: Được bao nhiêu cô muỗi hôn lên tay trong sự hài hước và và vui vẻ. Ở các anh, tôi không cảm nhận được nỗi mệt, nỗi buồn mà các anh đang gánh chịu mà ở đó tôi thấy được tấm lòng, tình yêu của các anh vì Tổ Quốc. Tôi cảm nhận được sức mạnh đất nước mình đang chiến đấu giống như những cuộc chiến tranh thời xưa luôn kiên cường – bất khuất. 

Bây ơi vô ăn cơm” – đó là tiếng gọi của Má – người phụ nữ tình nguyện đến nấu cơm ngày ba buổi cho chúng tôi. Không biết Má là ai? Ở đâu? Đi chợ khi nào? Mà cứ đúng giờ là có cơm nóng, canh ngon cho chiến sĩ chúng tôi. Mỗi bữa cơm đơn giản, đầy đủ chất, chứa đựng được tình thương mà Má dành cho tiền tuyến chúng tôi. Má vui vẻ, nhiệt tình, hỏi han chúng tôi “Mệt không? Gán ăn nha”... Còn ông Tía thì trưa nào cũng hỏi “Bây uống gì? Cà phê, đá mía” Hỏi xong cứ chạy về pha mười mấy ly đem qua rồi dặn uống hết nhen. Chiều đến thì đem qua vài con cá “Tao mới giăng câu được mấy con cá, bây kho mà ăn”. Ôi sao mà nghe thấm đượm tình yêu miền quê Nam Bộ mà tôi được bà kể ngày xưa. Chúng tôi như được sống như gia đình trên mảnh đất này vậy có Tía, Má chăm lo, có anh trưởng chốt hướng dẫn nhiệt tình. Chiều nào cũng vây quần bàn cơm, không phân biệt địa vị, ngành nghề, ai cũng là ai, cũng làm nhiệm vụ mà ăn cơm cùng nhau, hỏi han vài câu, tuy xa lạ nhưng gần gũi và ấm áp vô cùng.

 

Trời cũng đã xế, chúng tôi cũng vừa xong sấp giấy tờ người dân. Chuẩn bị về sau một buổi nhiệm vụ vô cùng ý nghĩa mà chúng tôi được cơ hội tham gia. Tuy đôi khi có những người dân không hợp tác, tôi thật sự buồn, buồn vì ý thức của họ còn hạn hẹp khi mà không chủ động bảo vệ chính bản thân mình, họ coi đó là sự ép buộc, rườm rà. Nhưng tôi tin với những hành động, lời nói chu đáo, nhiệt tình mà anh em trong chốt hướng dẫn thì họ sẽ thay đổi thói quen và hành vi của bản thân. “Về hã? Đem trái cây về đi! Mai vô nữa nha’’ Đó là lời tạm biệt của họ dành cho chúng tôi, chạy đã xa nhưng ánh mắt họ vẫn nhìn và vẫy tay đến khi tôi đã thực sự xa thì mới thôi. 

Chạy về, nắng hoàng hôn nhuộm cam cả con đường chiều, vừa chạy, vừa suy nghĩ về ngày hôm nay mình đã sống quá đẹp và hết mình với tuổi trẻ. Rồi suy nghĩ về từng con người mình gặp, tiếp xúc, ai cũng ấm áp sao mà thêm yêu cuộc sống này.quá! Tuổi trẻ của thanh niên là vậy “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.

 

 

Cần Thơ, ngày 11/4/2020

Nguyễn Phong Vinh

Sinh viên lớp YR khóa 44 


.