Nhật ký bệnh viện dã chiến số 2

09/10/2021

Lượt xem: 841

Hôm nay là ngày cuối cùng trong chuỗi 14 ngày làm sinh viên tình nguyện tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19, tôi quyết định sẽ dành chút thời gian để quan sát lại nơi mà mình đã gắn bó trong thời điểm đặc biệt này. Tôi lẳng lặng đưa mắt trải dài dãy bệnh phòng, những chiếc băng ca, những người bạn lần đầu chạm ngõ, và cả những người bệnh nhân. Rồi tôi nhớ lại những ngày đầu tiên của hành trình đặc biệt này.

Trường tôi, Đại học Y dược Cần Thơ, sau khi nhận được công văn xin chi viện nhân lực từ Bệnh viện dã chiến số 2, khi ấy có tổng cộng 50 sinh viên tình nguyện đã xung phong đi hỗ trợ chống dịch. Họ chia làm nhiều đợt để tham gia. 8/8/2021, ngày trường làm lễ ra quân để các sinh viên vững tâm bước vào “cuộc chiến”. Tôi đi trong đợt 4 của chiến dịch, đây được xem là đợt cao điểm và nguy hiểm nhất khi trùng với thời điểm của đợt dịch bùng phát và chiến dịch lấy mẫu cộng đồng “Cần Thơ Xanh” lần 2.  

 

image001.jpg 

Lễ ra quân chi viện BVDC số 2, ngày 08/08/2021

 

Tôi bắt đầu hành trình mới của mình trong 14 ngày, từ ngày 20/9/2021 đến 4/10/2021, đi cùng với tôi còn có 10 anh chị bác sĩ, 5 điều dưỡng và 17 bạn sinh viên tình nguyện. Hành trang tôi mang theo chẳng có gì quan trọng hơn là một trái tim yêu nồng nàn và nhiệt huyết tuổi trẻ chỉ mong được góp một ít sức mình vào công cuộc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

 image001.jpg

Nhân viên tham gia hỗ trợ chống dịch BVDC số 2

 

Có những ngày đầu,...

 

Đó là bệnh viện dã chiến số 2 TP.Cần Thơ, bệnh viện được thành lập để thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19- thuộc tầng 1 (Bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng) là tầng có nguy cơ thấp nhất trong hệ thống các cơ sở điều trị theo mô hình tháp “ba tầng” của Bộ Y tế. Và vì là thấp nhất nên cơ sở vật chất nơi đây dựa trên những gì có sẵn của Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm TP.Cần Thơ.  

image001.jpg

Bệnh viện với quy mô 800 giường bệnh được chia làm 4 khu: khu điều trị A và B là khu nhiễm dành cho các bệnh nhân dương tính, khu C là của các bệnh nhân âm tính lần một sau khi xét nghiệm RT-PCR, cuối cùng là khu hành chánh, đó cũng là nơi mà tôi nghĩ mình sẽ công tác trong thời gian sắp tới.  

image001.jpg 

(Khu điều trị bệnh viện dã chiến số 2)

 

Chúng tôi được phân lịch làm việc theo 3 ca 4 kíp, ca 1: 7h00 đến 14h00, ca 2: 14h00 đến 21h00, ca 3: 21h00 đến 7h00. 7h sáng ngày hôm ấy, tôi nhận nhiệm vụ đầu tiên là vào trực ở kíp 1 ca 1, mỗi kíp như thế sẽ kéo dài 8 tiếng. Chúng tôi đã được sinh hoạt về những công việc cụ thể như hỗ trợ vòng ngoài, việc hành chính, các loại giấy tờ, hồ sơ bệnh án,... Nhưng hôm ấy khi họp giao ban, tôi được giao nhiệm vụ trực khu điều trị A-B, tôi khá bất ngờ tuy tôi cũng hiểu được tình hình dịch bệnh hiện tại, nhưng dù nhiệm vụ là gì chúng tôi vẫn chỉ có một công việc toàn thời gian: Hỗ trợ chống dịch.

 

Trước đây khi còn ở giảng đường, tôi đã được tập huấn kỹ càng và rất rất nhiều lần để có một sự chuẩn bị tốt nhất về mặt kiến thức - tinh thần cho những ngày tình nguyện, đúng thế, tôi nghĩ mọi thứ đã kỹ càng. Nhưng không, khi đứng tại đó, giữa bầu không khí ấy, lần đầu tôi có cảm giác “sợ hãi”, một sự căng thẳng chiếm lấy tâm trí tôi. Tôi căng thẳng không phải vì lượng công việc lớn hay nhiệm vụ khác với những gì tôi tưởng tượng, mà vì bấy giờ trận dịch COVID-19 quái ác đang gây ra cho rất nhiều người mắc bệnh không còn là những tin đồn, những lời kể mà nó là hiện thực khắc nghiệt trước mắt tôi.

Có những nhiệm vụ,...

Bọn sinh viên chúng tôi cần phải mặc đồ phòng hộ cá nhân (Personal Protective Equipment-PPE) một cách cẩn thận đúng quy trình lên mới có thể bắt đầu các công việc như tiếp nhận bệnh nhân, khai thác bệnh sử, lấy dấu hiệu sinh tồn – đặc biệt là đo độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2), làm các thủ tục hành chính cho bệnh nhân nhập viện,...Chúng tôi chia ca nhau mà trực, bạn nghỉ thì tôi thức. Nhiều thứ bây giờ đã trở nên mơ hồ nhưng có một điều chắc chắn là dù có nghỉ ngơi thì vùng vỏ não thính giác ở thuỳ thái dương của tôi vẫn luôn sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khẩn cấp.

image001.jpg 

 Bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại BVDC số 2

Có những cảm xúc lạ,...

Một lần, tôi nhận được sự yêu cầu hỗ trợ từ bạn sinh viên đang trực trong khu điều trị báo là có cô bệnh nhân F0 đã có tuổi, cô nói mình sốt và khó thở, tôi liền mặc thiết bị phòng hộ cá nhân nhanh chóng di chuyển vào khu điều trị A-B để hỗ trợ hướng dẫn bệnh nhân tập thở trong lúc bạn ấy đang lấy dấu hiệu sinh tồn (đặc biệt là đo SpO2) cho cô. Với chỉ số khá thấp, nên bác sĩ điều trị ra y lệnh cho cô thở oxy mask túi, và phải nhanh chóng làm hồ sơ chuẩn bị cho bệnh nhân chuyển lên tuyến điều trị cao hơn (tầng 2 hoặc tầng 3). Về cô, cả nhà cô đều là F0 và cũng đang điều trị tại bệnh viện này. Khi tôi làm thủ tục chuyển viện cho cô, thì con gái cô xin đi cùng với lí do lo mẹ tuổi già sức yếu, sang bệnh viện khác không ai chăm sóc. Những nguyên tắc điều trị không cho phép chúng tôi làm thế, tuy tôi và bạn đã trấn an tinh thần và giải thích cho cô rất nhiều rằng bệnh nhân COVID-19 là trường hợp đặc biệt, bất cứ bệnh viện nào cũng có đội ngũ nhân viên y tế giàu kinh nghiệm-vững chuyên môn chăm sóc và cũng vì câu chuyện ấy mà mãi đến bây giờ tâm hồn tôi vẫn chấp chới trong những cảm xúc không tên, khó tả. Cảnh một người con ngoài ba mươi lo lắng trước cảnh mẹ già sắp phải chuyển viện nhưng bản thân lại không thể làm gì ngoài việc đứng nhìn trong bất lực (chỉ xảy ra với trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19). Bỗng... tôi cảm thấy nôn nao. Tôi nhớ về những câu chuyện đớn đau trên mặt báo, những câu chuyện chia lìa mùa dịch bệnh xót xa, cơn sóng lòng như dâng trào trong tôi, tôi thật muốn làm gì để giúp người con ấy nhưng “cam đành lực bất tòng tâm”.

Trong những ngày chiến đấu với thứ giặc vô hình, tôi thấy mình cho đi thì ít nhưng nhận lại rất nhiều. Tôi đã có một bài học đáng nhớ tại nơi đây. Hôm ấy là một ca bệnh nhi, người nhà bệnh nhân lại là F1. Nhưng người mẹ vẫn hy sinh, không nghĩ ngợi nhiều về bảo đảm mình có thể bị nhiễm bệnh không, bà vẫn xin vào bệnh viện để có thể chăm sóc cho đứa con nhỏ dại. Lúc ấy tôi ngu ngơ hỏi cô vì sao làm như thế và câu trả lời tôi nhận lại là: “Khi nào lập gia đình và có con thì con sẽ hiểu!” Bất giác câu nói ấy khẽ chạm đến tim tôi, tôi nhận ra dịch bệnh đã làm tăm tối đi nhiều thứ, nhưng có những tình cảm cao đẹp và thiêng liêng như tình mẫu tử thì mãi mãi chẳng có thứ dịch bệnh hay bóng tối nào che mờ được mà chỉ càng thêm rực rỡ mà thôi! 

Có những cuộc thi,...

Với các bệnh nhân nơi đây, khi có kết quả âm tính lần 1 họ sẽ được chuyển từ khu A, B sang khu C và khi có kết quả âm tính lần 2, họ sẽ được trở về đoàn tụ với gia đình. Chiều nọ, khi tôi đang chuẩn bị thông báo kết quả xét nghiệm RT-PCR, có một bác bệnh nhân đến hỏi tôi rằng: “bác đậu hay rớt?” Tôi đã ngớ người ra chẳng hiểu điều gì, phút sau tôi mới nhận ra trong mắt họ âm tính hay dương tính chỉ là một cuộc thi và phần thưởng của họ là sự đoàn viên, hạnh phúc. Bởi người “đậu” là người được trở về với gia đình mình còn người “rớt” thì phải ở lại thêm một thời gian để cách ly, điều trị. Có lẽ cho đến giây phút ấy, không phần thưởng nào là ý nghĩa hơn và không hạnh phúc nào là đặc biệt hơn - được trở về bên vòng tay của những người thân yêu, được thưởng thức món canh chua cá kho tộ, ngồi uống chén trà nghe cha tâm sự về những ngày xưa cũ…

image001.jpg 

 Bệnh nhân chuyển bệnh từ khu A-B sang khu C

 

Còn với chúng tôi, hạnh phúc là khi còn được nhìn thấy những người thân yêu khỏe mạnh; khi thấy từng đợt bệnh nhân khỏi bệnh và về nhà; khi nghe tin những con người xa lạ trên khắp cả nước đang có cuộc sống ấm êm giữa những ngày đại dịch;  và hạnh phúc là còn sức, còn khỏe để cống hiến tuổi trẻ, cùng chung tay với cả đồng bào chống dịch, để trưởng thành và để giữ lại cho mình quãng thời gian đẹp nhất của thời sinh viên. Như lời Bác dạy, "Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn ? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu đến chừng nào?" Chúng tôi chỉ mong có thể cùng Tổ Quốc kiên cường chiến đấu qua những ngày khó khăn, góp ít sức nhỏ nhoi vào thắng lợi chung của trận chiến lần này.




Nguyễn Thế Vinh – Lớp YD Khóa 45