Nhật ký tình nguyện mùa Covid-19 - Chốt IC3
Lượt xem: 1039
Sinh viên Võ Minh Kha_Lớp YB41_Chốt IC3
Lúc này “hot” nhất vẫn là tình hình
dịch Covid-19 mọi người ạ! Khi mà tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, số
người tử vong trên thế giới vẫn cứ tăng lên mỗi ngày làm con người ta không
khỏi lo lắng, hoang mang. Còn tôi là một sinh viên, tôi cũng có những nỗi lo
của riêng mình: tôi sợ mắc bệnh, tôi cũng sợ người nhà tôi mắc bệnh, rồi tôi
cũng lo lắng không biết khi nào một sinh viên Y5 như tôi mới ra trường được, đủ
thứ cái để nghĩ tới lúc này. Mặc dù vẫn biết là dịch bệnh nước ta đang kiểm
soát tốt, công tác điều trị của nước ta vẫn đảm bảo, nếu nói về lương thực thì
khỏi sợ đói rồi, và cả những thành tích chống dịch lẫy lừng của đất nước đã đi
vào lịch sử nhưng... cái cảm giác lo lo lúc này là chuyện không của riêng ai.
Công việc chính của tôi lúc này là
hỗ trợ người dân khai báo y tế tại nhà qua phần mềm điện thoại NCOVI ở địa bàn
huyện Phước Thới, quận Ô Môn. Đây là chương trình chống dịch Covid-19 được nhà
trường lồng ghép vào học phần thực tập cộng đồng II của sinh viên Y5. Công việc
rất nhẹ nhàng, mỗi sinh viên lại từng nhà dân để hướng dẫn, hỗ trợ khai
báo y tế. Dẫu nhẹ nhàng nhưng hơi mỏi chân đó mọi người ạ tại đi bộ hơi nhiều
mà, với trời khá là nắng nên nóng nực là chuyện đương nhiên rồi, thêm cái là
nói hơi nhiều nên một số sinh viên sẽ cảm thấy rát họng nhẹ hoặc bạn nào nói
nhiệt quyết quá thì kết quả là nói khàn luôn.hihi. À quên, không thể không nhắc
tới chuyện bị chó rượt, ôi dã man lắm mọi người ạ, khi mà mình làm chuyện tốt
nhưng mấy con chó cứ như là gặp ăn trộm vậy, mình nhích một bước thì nó cũng
nhích một chân kèm theo tiếng sủa vang dậy cả xóm làng, nó sẽ không ngừng sủa
cho đến khi không thấy bóng dáng của mình nữa. Lúc này không còn sợ dịch bệnh,
không thấy nóng nực nữa, cũng không mỏi chân mà thay vào đó là sợ chó cắn mọi
người ạ. Nhưng cũng nhờ vậy mà người dân tự ra tiếp đón mình mà không cần phải
gọi, chớ gọi ngay lúc người ta đang ngủ trưa cũng ngại lắm. Còn cái nữa là gặp
một số người dân không chịu hợp tác kể cả có người trong khu vực đi theo, kiểu
như sợ người lạ vào nhà gạt gẫm này kia các kiểu vậy đó, rõ khổ, gặp nhà đầu sẽ
thấy hơi hụt hẫng xíu nhưng vài nhà thì cũng quen dần. Hôm nay ngày 30/03/2020
là ngày thứ 3 của chương trình này, ngày mai tụi tôi vẫn tiếp tục công việc như
vậy cho đến khi hỗ trợ khai báo y tế đến hết các hộ trong địa bàn đã phân công.
Và cái chỉ thị đến hơi bất ngờ,
trưa ngày 31/03/2020 chỉ thị 16/CT-TTg được ban hành về việc “cách ly toàn xã
hội” từ ngày 01/04/2020 - 15/04/2020. Với cái chỉ thị này toàn bộ sinh viên chúng
tôi phải ngưng công việc đang làm, rút về thành phố, ở yên trong nhà ngoại trừ
những trường hợp cấp thiết. Thế là việc hỗ trợ khai báo y tế còn dang dở đành
dừng lại, có gì đó hơi nuối tiếc vì chưa thể hướng dẫn khai báo hết tất cả mọi
người trên địa bàn nhưng việc “cách ly toàn xã hội” lúc này lại cần thiết hơn
cả. Ngay sau đó trường cũng ra công văn thông báo tạm ngừng việc đi lâm sàng
cũng như học lý thuyết tập trung trên giảng đường cho đến khi có thông báo mới.
Thế là xong, tôi thầm nghĩ mình sẽ nằm chèo queo trong phòng trọ luôn kể từ
đây.
Mới ngày đầu của “cách ly toàn xã
hội” - ngày 01/04/2020 nó dài đằng đẵng ra, sáng mua hộp bún xào về nhà ăn rồi
nằm lăng lăng trên giường, bấm điện thoại, đến trưa đi mua cơm hộp về ăn nhưng
kiếm mãi mới có tiệm cơm, cứ nghĩ đùa nếu tiệm cơm đóng hết thì mệt à nha, đã
lâu rồi tôi không tự nấu ăn nữa. Đến tối tôi thấy đói bụng nên chạy xe ra kiếm
hủ tiếu gõ ăn, này ăn thêm hai trứng vịt lộn thì còn gì bằng. Không như tôi
nghĩ, chả còn quán hủ tiếu gõ nào bán mọi người ạ, chưa bao giờ tôi thấy việc
tìm đồ ăn nó khó khăn đến vậy. Bình thường tôi phải mất tầm 10 phút để suy nghĩ
để coi lát nữa ăn món gì nhưng giờ tôi phải mất hơn 60 phút chạy tìm quán hủ
tiếu gõ nhưng vẫn không có. Cảm thấy mất thời gian quá tôi đành về nhà nấu mì
ăn kèm trứng gà chiên đỡ vậy. Ăn xong lại ngồi lấy điện thoại ra bấm, đang xem
thống kê của tình hình dịch bệnh xem nay tử vong bao nhiêu rồi thì nhận được
thông báo là đang cần sinh viên tham gia hỗ trợ chống dịch tại 08 chốt cửa ngõ
của thành phố Cần Thơ. Tôi thấy ở nhà cũng chẳng làm gì trong khi đang cần lực
lượng chống dịch nên tôi quyết định tham gia. Ngay lúc đó tôi lại nhớ về gia
đình, không biết cha mẹ cho mình đi không ta? Đi này vẫn có rủi ro, lỡ dính
bệnh thì đằng nào ba mẹ cũng nuôi bệnh chứ ai khác đâu. Tôi liền gọi điện thoại
về nhà xin phép đi lần nữa, vì lần đi cộng đồng vừa rồi tôi cũng nói với ba mẹ
một lần rồi, lần này ba mẹ vẫn cho đi nhưng có một câu nói tôi vẫn còn nhớ là
“Lần này là con liều mạng đi chống dịch phải hông?”, nhớ lại câu đó tôi vẫn còn
thấy mắc cười mọi người ạ. Mình muốn đi, ba mẹ cũng chịu rồi nên tôi rủ thêm
vài bạn nữa đi cho đỡ bỡ ngỡ, có bạn bè thân thiết hỗ trợ nhau cũng tiện, lực
lượng bạn bè của tôi cách ly tại nhà trọ hiện giờ đông lắm. Thế là tôi cũng tìm
được vài bạn đi chung chốt, tôi được xếp vào chốt IC3, ngày mai chúng tôi sẽ
vào công việc ngay. Nghe nói được lo ăn uống đầy đủ, công việc chủ yếu là nhập
liệu, nói chung nhẹ nhàng. Kết thúc một ngày tôi chuẩn bị đi ngủ sớm mai làm
việc nhưng nay hơi khó ngủ chắc do nôn quá thôi, không biết có cần chuẩn bị
thêm gì không,…suy nghĩ vu vơ một lát rồi tôi chìm vào giấc ngủ.
Sáng ngày 02/04/2020, tôi dậy sớm chuẩn bị cho ngày đi làm tình nguyện đầu tiên. Tôi đến chốt lúc 6 giờ sáng, cái tôi thấy đầu tiên ở chốt là có khá nhiều người hơn tôi nghĩ, có 2 chú công an giao thông để điều hướng xe, có 1 chú thanh tra giao thông nữa, rồi 1 chú dân quân tự vệ, thêm tầm 3 người bên trung tâm y tế địa phương, 2 giảng viên quản lí cùng với 6 sinh viên chúng tôi. Tôi từ từ đi vào chốt, chậm chậm để quan sát cảnh vật xung quanh. Tôi có thể nói chính xác là chốt tôi làm việc bên bụi chuối mọi người ạ, thật đấy! Những cây chuối to và cao đủ để làm căn cứ của chốt. Vài cây dù nhưng thấp hơn mấy cây chuối nhiều. Đang nhìn nhìn ngó ngó thì có một anh bên y tế đưa cho tờ giấy, anh nói: “Em sinh viên phải không, cái này nhiều rồi em nhập từ từ đi!”. Tôi cũng “Dạ” chứ chưa biết vụ gì nữa. Xong quay qua hỏi cô giảng viên của tôi cách làm, có một đường link để nhập thông tin, cũng dễ làm lắm, trong đó nhập theo thông tin từng người, mỗi người có những thông gồm: họ tên, năm sinh, số chứng minh, số điện thoại, đi từ đâu tới, đến chỗ nào của Cần Thơ, dự kiến đến khi nào về. Ngồi nhập một lát thì xong. Rãnh tay tôi nhìn ra thì thấy một hàng dài xe đang chờ mấy anh chị bên y tế lấy thông tin. Sau đó chúng tôi được yêu cầu ra hỗ trợ lấy thông tin phụ mấy anh chị. Nói chung cũng dễ, lấy thông tin mấy người trên xe điền vào mẫu giấy có sẵn, chúng tôi làm vài người là đã cảm thấy rất chuyên nghiệp rồi. Chúng tôi chia ra 3 người phụ lấy thông tin, 3 người còn lại ở trong nhập liệu. Rồi ai đói thì chia ra ăn nhẹ, có sẵn mì ly, có ấm đun đầy đủ luôn. Nhanh lắm là tới gần trưa, đứng lấy thông tin vậy mà mỏi chân lắm nha mọi người, nắng nóng nữa chứ, chưa kể bụi đường, khói xe. Mấy cây chuối thấy cao to vậy mà che nắng không hiệu quả như tôi nghĩ, chỉ dựa vào vài cây dù thì không đủ mát để có thể làm việc lâu dài. Nắng đủ để cảm nhận cái rát trên da, nắng đủ để làm đỏ cả làn da nâu của tôi, nắng đủ làm ướt mem cả áo. Đến trưa 12 giờ 6 sinh viên chúng tôi ra ca, có 6 sinh viên khác đến thay ca làm tiếp cho đến 18h, sau 18h thì chốt vẫn làm nhưng sinh viên chúng tôi không làm buổi tối. Mỗi người ra về được hỗ trợ 1 phần cơm, thế là coi như kết thúc một ngày làm tình nguyện, cơm này ăn bao no nha mọi người, thịt nhiều nữa, ăn ngon lắm luôn.
Từ ngày thứ 3 trở về sau mọi người
trong người trong chốt đều quen việc, làm việc rất nhạy, chuyên nghiệp và nhịp
nhàng. Tôi biết mình phải làm gì, lúc nào nên phụ việc cho người khác, kể cả
không ngại tự lấy đồ ăn khi đói, tự pha đồ uống khi khát. Cảm thấy chốt làm
việc như ở nhà vậy, công việc thì không áp lực nhưng lại góp phần lớn trong
chống dịch mà còn được lãnh đạo quan tâm nữa chứ. À, mấy ngày sau còn được hỗ
trợ thêm mấy cái khác nữa do người dân đem lại ví dự như: cơm gà Lê Trang, nước
ép Sinh Nguyễn, nước khoáng,…thầy Trung Kiên hiệu trưởng còn đích thân lại chốt
tặng cho 20 thùng mì gói, mọi người đều rất vui mừng, vui ở đây phần nhỏ là
được tặng quà, phần lớn nằm ở giá trị tinh thần, giá trị của sự quan tâm, ưu ái
của nhà trường dành cho những sinh viên tình nguyện. Thay mặt các bạn em xin
cảm ơn Thầy!
Ngày 15/04/2020, theo đúng thì qua ngày này sẽ hết hiệu lực của chỉ thị 16/CT-TTg, nhưng vì tình hình dịch trên thế giới còn phức tạp, nước ta vẫn còn bệnh, Cần Thơ vẫn nằm trong vùng nguy cơ nên Ủy ban thành phố quyết định kéo dài chiến dịch đến 22/04/2020 và chờ thông báo tiếp. Dẫu ở đây làm việc rất ý nghĩa, việc nhẹ, vui nhưng không ai muốn làm mãi ở đây cả, đơn giản vì điều mà mọi người mong muốn hơn cả lúc bây giờ là cả nước hết dịch, thế giới hết dịch…. Cũng ngày này thầy Kiên một lần nữa ghé thăm chốt chúng tôi và đem theo món quà đầy bất ngờ. Vâng, đó chính là giấy khen cho những sinh viên tình nguyện kèm theo tiền mặt 300 nghìn đồng, một lần nữa chúng tôi vỡ òa trong sung sướng, sướng ở cái tình, sự quan tâm của nhà trường đối với chúng tôi. Nó như khẳng định vai trò của chúng tôi, sự ghi nhận công sức chúng tôi đã bỏ ra, sự quan tâm sâu sắc của nhà trường với chúng tôi. Đây sẽ là động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục công việc.
Cứ thế ngày qua ngày, chốt tôi vẫn làm việc, vẫn lấy thông tin, vẫn nhập liệu. Không biết từ lúc nào mà mọi người chung chốt như hòa vào một thể, gọi tên nhau khi cần phụ việc hay đơn giản là tán gẫu, chọc ghẹo, tự nhiên cảm thấy thiếu cái gì đó khi có thành viên vắng mặt, lúc ăn rủ nhau ăn, lúc uống rủ nhau uống, cái cảm giác giống như một đại gia đình vậy. Gần 3 tuần làm việc chung ở chốt đã biến những con người xa lạ trở nên rất thân quen, cứ như một phép màu vậy. Sau khi kết thúc chiến dịch này tuy chưa biết là khi nào nhưng chắc hẳn chúng tôi ai cũng có những kỉ niệm của riêng mình, có thêm những người bạn, những kinh nghiệm cuộc sống mà trên giảng đường không thể nào học được.
Cuối lời tôi xin gửi lời cảm ơn
chân thành đến nhà trường đã tạo điều kiện cho chúng tôi có thể ra sức cống
hiến, tuy không lớn nhưng ít ra cũng có cái gọi là hỗ trợ chống dịch. Cảm ơn
thầy hiệu trưởng đã luôn dõi theo chúng tôi, luôn hỗ trợ chúng tôi, luôn là chỗ
dựa tinh thần của chúng tôi. Cảm ơn cô Bé Hai, thầy Vĩnh Hảo đã luôn kề vai sát
cánh cùng chúng tôi mỗi ngày. Xin cảm ơn vì tất cả!
Cần
Thơ, ngày 21 tháng 04 năm 2020
Võ Minh Kha
.