Những cuộc điện thoại đặc biệt

16/10/2021

Lượt xem: 532

Truy vết qua điện thoại - Một công việc được thực hiện trong thầm lặng, ít có ai biết đến ngoại trừ những bệnh nhân F0, F1 được đội chúng tôi gọi hỏi thăm. Hằng ngày, mỗi người chúng tôi phải gọi hàng chục cuộc điện thoại, có cuộc 15 phút là xong, 30 phút, rồi đến 1 hoặc 2 tiếng mới xong hoặc đôi khi có những cuộc gọi phải tiếp nối đến mấy lần, nhiều khi họ không nhẫn nại thốt ra những lời lẽ không tốt không hay.

 - “Dạ Alo, con gọi từ tổ thông tin phòng chống covid của Sở Y tế Cần Thơ, cho con hỏi đây có phải là số điện thoại của cô/ chú …. không ạ?” 

Chắc hẳn khi nhấc máy nghe điện thoại thì có lẽ nội dung cuộc gọi ấy sẽ không giống như vừa rồi đúng không mọi người? Ta thường gọi để nói chuyện đó đây, đủ mọi việc tất thảy trên đời nhưng hầu như ít ai có thể từ tốn lắng nghe những cuộc gọi mang dấu ấn hơi khác lạ và đặc biệt. Câu hội thoại đặc biệt trên đấy là câu cửa miệng mà mỗi khi tôi bắt đầu một cuộc gọi mới với các bệnh nhân F0, F1, F2. Một câu chào hỏi như được lập trình sẵn khi mà có người ở đầu dây bên kia bắt máy của tôi. Đúng là hay thật, một thói quen mới được hình thành khi mà tôi bắt đầu tham gia công cuộc phòng chống dịch Covid mang tên “Truy vết qua điện thoại”, và cũng có những khi tôi quen đến nỗi ai gọi là tôi tuôn một tràng như mưa cho tới lúc nhận ra bên kia là bạn hay người thân của tôi.

Truy vết qua điện thoại - Một công việc được thực hiện trong thầm lặng, ít ai biết đến ngoại trừ những bệnh nhân F0, F1 được đội chúng tôi gọi hỏi thăm. Hằng ngày, mỗi người chúng tôi phải gọi hàng chục cuộc điện thoại, có cuộc 15 phút là xong, 30 phút, rồi đến 1 hoặc 2 tiếng mới xong hoặc đôi khi có những cuộc gọi  phải tiếp nối đến mấy lần, nhiều khi họ không nhẫn nại thốt ra những lời lẽ không tốt không hay. Tên gọi là truy vết nhưng thực chất không nghiêm trọng đến mức như hỏi cung điều tra đâu nhé, mà thật ra xuất phát từ sự lo lắng quan tâm, chúng tôi gọi hỏi thăm tình hình sức khỏe, cuộc sống hiện tại của các bệnh nhân. Thông qua đó giúp họ có tinh thần thoải mái hơn, có những biện pháp giúp đỡ khi khó khăn và thậm chí xin tìm ra được thông tin liên quan đến dịch tễ để có sự kiểm soát khoanh vùng ngăn chặn sự lây lan phức tạp của dịch bệnh. Nghe có vẻ xịn xò lắm đúng không nào, điều mà tôi tâm đắc hơn chính là sự chuyên nghiệp quy củ trong từng khâu làm việc, tới giờ khi tham gia lấy mẫu cộng đồng nhưng tôi vẫn rất tự hào vì đã từng thực hiện nhiệm vụ này – công việc nhỏ, lợi ích to. 

image001.jpg 

Tổ thông tin phòng chống COVID của Sở Y tế Cần Thơ - đội Truy vết qua điện thoại trong lúc làm việc. Nguồn: Đài Truyền hình Thành phố Cần Thơ

Trong gần một tháng gắn bó với công việc này, tôi góp nhặt cho mình biết bao nhiêu là k niệm, những câu chuyện cảm động, những lần dở khóc dở cười hay những trận bị mắng té khói không kịp giải thíchnếu chia sẻ những kỉ niệm này chắc hẳn ba ngày ba đêm vẫn chưa hết. Một trong những kniệm đáng nhớ nhất là  thông qua truy vết này mà tôi và đồng đội đã giúp được gia đình của một bà cụ, giúp bà đỡ phần nào khó khăn khi không may dính phải vào con virus đáng ghét kia. Gia đình bà thuộc diện khó khăn lại đông thành viên, tầm khoảng 5 6 người, trong đó có một bé mới vài tháng tuổi, nhưng chỉ có người con dâu đi làm để trang trải cuộc sống. Chạy trời không khỏi nắng, qua quá trình đi làm và tiếp xúc, người con dâu kia cũng nhiễm virus và tất nhiên cả gia đình đều trở thành F1, đúng là khó khăn chồng chất khó khăn mà. Lúc tôi gọi tới thì cả gia đình đều đã đi cách ly tập trung, chỉ còn người bà và đứa bé được cách ly tại nhà. Tuy nhiên gia cảnh nhà bà quá khó khăn, thiếu thốn mọi thứ từ thức ăn đến nhu yếu phẩm, gạo còn không có  lấy đâu ra sữa cho bé bú cơ chứ, thật xót thương cho đứa nhỏ phải rời xa vòng tay của mẹ, nhịn sữa vì hoàn cảnh gia đình. Chẳng những thế, xã hội này vì đồng tiền làm lu mờ mọi thứ, con người dần lạnh cảm với nhau không còn như thuở xưa nữa. Nhà bà nghèo có người nhiễm virus nên hàng xóm kì thị, xa lánh, không một ai quan tâm chia sẻ nương tựa lẫn nhau giữa những mảnh đời bất hạnh. Nói chuyện điện thoại với tôi được một lúc thì bà bật khóc, bởi lẽ những giọt nước mắt đó đã chất đầy  sâu thẳm trong con người nghị lực của bà bấy lâu nay, sự cô đơn buồn tủi trong cuộc sống khi không còn người bên cạnh sẻ chia giữa đời sống bất cập những mối lo xung quanh nguy hiểm này. Bất giác trái tim tôi le lói như có vết xước cắt ngang, nhịp đập liên hồi thấp thỏm vì đã thương cảm và thấu hiểu cho số phận của cụ bà. Bà kể hoàn cảnh của mình trong nước mắt, tiếng khóc nức nở của bà, xen lẫn là tiếng em bé khóc đòi mẹ, đòi uống sữa, tiếng bà vỗ về em, dù không thể trực tiếp nhìn thấy cảnh tượng này nhưng nghe những âm thanh đó tôi lại đau lòng vô cùng, mong rằng đừng bao giờ xảy ra với bà nữa. Tuy vậy nhưng bà vẫn nhiệt tình nói cho tôi những thông tin chúng tôi cần, giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ một cách trọn vẹn, thật đáng khâm phục bà. Thương cảm cho hoàn cảnh của bà nên tôi và một người bạn khác có trình bày tất cả sự việc, xin sự giúp đỡ cho gia đình bà cụ. Thông qua địa chỉ nhà bà cung cấp, thầy đã kịp thời vận động được mạnh thường quân ở địa phương hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm và sữa cho gia đình bà, giúp bà phần nào vượt qua khó khăn, yên tâm cách ly tại nhà để phòng chống covid cũng như lan toả tình yêu thương ấm áp đến với bà. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ tốt đẹp như mong muốn, khi tôi gọi lại thông báo về việc bà được giúp đỡ, thông qua những lời cảm ơn của bà tôi cảm nhận được rằng bà rất vui mừng, vui cả hơn bao giờ hết, tâm hồn bà dường như được sưởi ấm tiếp thêm nguồn sức mạnh dồi dào. Niềm hạnh phúc đó len lỏi trong tâm thức và trái tim rực lửa này của tôi, hơn bao giờ là giá trị tốt đẹp của  tinh thần, một liều thuốc bổ dưỡng và một kết nối mạnh mẽ trong không gian vô hình. Tôi mỉm cười sung sướng, cảm ơn cuộc đời này đã cho ta sinh mệnh để thực hiện những điều tốt đẹp lan tỏa khắp mọi nơi.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện cảm động mà tôi đã trải qua khi tham gia truy vết qua điện thoại. Còn rất nhiều câu chuyện nếu có dịp sau này tôi sẽ kể cho mọi người hay cho con cháu của tôi nghe để có thể hiểu hơn về những khó khăn mà covid mang lại cũng như  lan toả tình yêu thương, chia sẻ những ấm áp trong cuộc sống hằng ngày như thế này. Bên cạnh những câu chuyện mang ý nghĩa tích cực thì vẫn có những cuộc gọi mà tôi toàn nghe những lời lẽ không hay, phản ánh đủ thứ trên đời mặc dù tôi không biết gì về chúng cả, hay có những người không giữ bình tĩnh giận dữ trong cuộc gọi, đến nỗi chúng tôi không kịp giải thích, xin lỗi, hay giải quyết vấn đề giúp họ, là họ không thể kiểm soát được ngôn từ và hành vi của mình cho rằng mọi thứ là giả dối đối với họ, nhất là những lần đầu khi tôi chưa có kinh nghiệm nhiều. Trải qua nhiều điều như thế nhưng thật sự tôi chưa một lần oán trách hay bỏ mặc họ, bởi tôi xác định được công việc mình làm ra sao, có những khó khăn gì, mình cần gì, nên làm như thế nào, mình cần phải nhẫn nại kiên trì để giúp họ, chính những điều nhỏ nhặt đó giúp tôi trưởng thành có nhiều kinh nghiệm hơn. Dần dần tôi cũng quen với mọi thứ, cũng thấu hiểu về những khó khăn, hiểu cái cảm giác khi trở thành F0, F1 phải đi cách ly tập trung. Vì thế mà tôi thấu hiểu cho họ nhiều hơn, thông cảm và giúp đỡ họ bằng cả kiến thức có được, tấm chân tình và lòng nhiệt huyết của một người sinh viên Y tham gia chống dịch.

image001.jpg   

Đội của mình - Đội 3  Tân An tham gia lấy mẫu tại cộng đồng

image001.jpg 

Tham gia lấy mẫu xét nghiệm cộng động tại phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ

 

Qua những lần tình nguyện tham gia phòng chống covid, đã giúp tôi học được, hiểu biết thêm rất nhiều thứ. Giúp tôi không chỉ có thêm được kiến thức mà còn rèn luyện được những kỹ năng, đức tính cần có của một người bác sĩ. Còn nhớ mãi câu mẹ tôi nói mỗi khi tôi kể về những câu chuyện trong quá trình chống dịch của mình: “Lương Y như từ mẫu, cố gắng bao dung và giúp đỡ mọi người hết sức mình nha con”. Chắc có lẽ câu nói đó sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời của mình.

Cuộc chiến với covid này quả thật rất khốc liệt, nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống chúng ta, khi mà mỗi ngày có quá nhiều mất mát, hy sinh. Nếu được, các bạn hãy cố gắng tham gia tình nguyện, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi công việc góp phần phòng chống dịch bệnh, mang lại cuộc sống xanh cho mọi người đều rất đáng tôn trọng. Từ những người làm từ thiện, đội hậu cần hỗ trợ, những người làm bếp mang đến các suất cơm hay những anh dân quân, anh công an trực chốt, chú bộ đội đi chợ giúp người dân làm shipper bất đắc dĩ hay là lực lượng sinh viên, y bác sĩ tham gia lấy mẫu, điều trị covid, tuyến đầu chống dịch thực sự rất quan trọng và rất đáng quý. Mỗi công việc đều có nét đặc trưng, đều góp phần đẩy lùi dịch bệnh và rất đáng tự hào. Và dĩ nhiên, công việc truy vết qua điện thoại tôi tham gia cũng vậy, tôi dám tự tin hét lớn rằng: “Tôi yêu truy vết qua điện thoại, xin cảm ơn tất cả các bạn trong đội, chúng ta đã làm rất tốt”. Thông qua thời cuộc này mới thấy rõ cuộc sống này vô cùng mỏng manh, có thể lụi tàn trong phút chốc. Tôi mong rằng dù bạn là ai, tiền tuyến hay hậu phương hay bất cứ điều gì đi chăng nữa, hãy sống một cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa hơn mỗi ngày, bởi mọi điều ta làm là tiền đề cho sự phát triển của mai sau.





Nguyễn Hữu Luân – Lớp YD khóa 45