Những nẻo đường phù sa

01/11/2021

Lượt xem: 216

Gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, thách thức hệ thống y tế nước nhà cũng như nhiều nước trên thế giới. Đất nước ta đã trải qua hoàn cảnh rất khó khăn khi đợt dịch thứ 4 bùng phát với sự xuất hiện của biến chủng Delta rất nguy hiểm. Đó là cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình, nguy hiểm và cuộc chiến chống dịch này chưa có tiền lệ.

Đợt dịch diễn ra trong  thời điểm Nước ta chưa có đủ  vaccine tiêm cho toàn dân và càng  khó khăn hơn khi Việt Nam là đất nước đông dân, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, thực trạng hệ thống y tế của đất nước ta còn nhiều hạn chế, khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, kinh nghiệm chống dịch và vật lực y tế chưa đáp ứng  được. Đó là thách thức không chỉ của riêng đất nước  ta mà còn là thách thức của cả nhân loại trong thời gian đầu của thế kỷ 21. Cũng như các nước trên thế giới công tác chống dịch vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đất  nước ta mặc dù có sự chủ động, có sự chỉ đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị; nhưng do sự kéo dài của dịch bệnh từ đầu năm 2020 đến nay nên đến đợt dịch lần thứ 4, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đã bị tác động tiêu cực về mọi mặt trong thời gian dài. 

           Trong hành trình của hơn 600 ngày chống dịch, cả dân tộc ta đã sống và chiến đấu theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” trong sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng lòng của mọi tầng lớp Nhân dân với sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, của sự chia sẻ, của tình yêu thương và nhân ái… Điều đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng… của đội ngũ tuyến đầu chống dịch; trong đó đặc biệt là đội ngũ thầy thuốc trên cả nước, họ không chỉ có trái tim nhân ái, nhân hậu mà còn trí tuệ thông minh, nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, đặc biệt khi cuộc chiến diễn ra rất gay go. Những con người ấy đã quên hiểm nguy để lao vào tâm dịch nhất là trong giai đoạn đầu chống dịch bệnh, nhiều tấm gương tiêu biểu truyền cảm cảm hứng rộng rãi trong xã hội. Trong số đó có thầy cô giáo, người lao động, học viên, sinh viên trường đại học y dược Cần Thơ. Ngay từ đợt dịch thứ nhất lãnh đạo nhà trường đã chủ động, tích cực tham gia tuyến đầu chống dịch, theo sự yêu cầu của địa phương mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ. Mặt khác vẫn phải chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch trong điều kiện mới nhằm đảm bảo mọi hoạt động của nhà trường vẫn phải bình thường.

         Đợt dịch lần thứ 4 diễn biến phức tạp với quy mô cả nước nhất là Thành Phố Hồ Chí Minh, hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương nhà trường đã tổ chức nhiều đoàn công tác hỗ trợ tuyến đầu chống dịch với quy mô hàng trăm người như: Vĩnh long, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và đặc biệt là hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch với thời gian kéo dài nhiều tuần. Nhiều đoàn xe nối đuôi nhau hối hả ra trận của những đội quân tình nguyện khi có lệnh hành quân, trong đó có nhiều tình nguyện viên mặc dù trên vai còn đau nhức bởi mũi vaccine vừa tiêm không kịp theo dõi sau tiêm. Những ngày đầu tham gia tuyến đầu chống dịch còn nhiều bỡ ngỡ nhất là các em sinh viên, càng làm các em càng có kinh nghiệm “trận mạc”, trong đợt thứ tư này tôi đã nhận được hàng trăm bài viết với nhiều thể loại khác nhau như: Nhật ký chống dịch, thơ, chùm ảnh, cảm nghĩ, có những bài viết được chuyển thể cải lương. Đây là những phản ánh chân thực nhất, ngây ngô đến dễ thương, trong gần 100 bài gởi cha mẹ khi các em vào tâm dịch thì có đến gần 90 bài gởi “ Mẹ ơi”, “Mẹ kính yêu”; phải chăng những lúc khó khăn nhất, nguy hiểm nhất mọi người đều nghĩ đến  Mẹ nhiều nhất và trước nhất; đó là tình Mẫu tử thiêng liêng thời nào cũng có. Những lúc như thế này chúng ta càng trân trọng những hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh trong công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, sự hy sinh thầm lặng của những người Mẹ Việt Nam: mỗi  lần tiễn con đi mỗi lần khóc thầm lặng lẽ. đội quân tình nguyện (CTUMPER), Đã đi qua tâm dịch mọi ngõ ngách, xã, ấp, với những địa danh thấm đậm tình quê hương của mảnh đất chín Rồng, Đất  phương Nam mà cha ông chúng ta trước đây đã ra đi mở mang bờ cõi. Tôi thật sự xúc động và cảm xúc dâng trào khi đón nhận những bài viết của các bạn giảng viên trẻ, các em sinh viên về hoạt động hỗ trợ chống dịch tại Thành Phố Hồ Chí Minh nhất là tại các địa bàn quận 4, quận 11. Hơn 40 năm về trước chúng tôi là sinh viên năm thứ 2 y khoa của Trường Đại Học Y dượcTp. Hồ Chí Minh được Thành phố huy động đi các phường, hẻm của các quận nội thành tuyên truyền giáo dục vệ sinh phòng dịch, thực hiện “ Hố xí 2 ngăn”,  đăng ký hộ khẩu, huấn luyện viên chữ thập đỏ( cấp cứu điện giật, đuối   nước, cấp cứu dị vật đường thở  , bất động xương gẫy). Thời đó Thành Phố Hồ chí Minh mới ra khỏi chiến tranh được vài năm, vết thương của cuộc  chiến còn hằn sâu ở mỗi gia đình thành phố. Những con hẻm xưa kia không được đàng hoàng như bây giờ. Những khu phố,  con hẻm còn bề bộn xưa kia đã in dấu chân của sinh viên chúng tôi; 40 năm sau đồng nghiệp, học trò của tôi lại bước trên những con đường đó, một sự trùng hợp của “định mệnh”. Tuy nhiên; cuộc chiến đấu của 40 năm sau khốc liệt hơn, nguy hiểm hơn nhiều bởi kẻ thù là vô hình. Tôi cám ơn các bạn đã làm vẻ vang truyền thống hơn 40 năm xây dựng và phát triển Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Lịch sử nhà Trường lại được tô thêm một Dấu Son chói lọi bởi những nẻo đường hành quân “ chống giặc”, những nẻo đường phù sa, những nẻo đường của mảnh  Đất Phương Nam!

Một số hình ảnh Lễ ra quân của cán bộ và sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đi hỗ trợ các tỉnh:

1.JPG


1.JPG


1.JPG


1.JPG


1.JPG





Dương Hữu Nghị (Giảng viên khoa y, cựu sinh viên YK 79, Trường Đại Học Y Dược TP. HCM)