Những thay đổi của chàng trai “Màu xám”

12/10/2021

Lượt xem: 440

Đây là những dòng nhật ký tôi viết ra để có thể nhìn nhận bản thân mình sau một hành trình mình đã thay đổi gì từ suy nghĩ, nhận thức, đặc biệt là con tim. Đối với mọi người cuộc sống có thể màu hồng, màu sắc ấy có thể ở bất kì chỗ nào trên bức tranh. Nhưng một màu xám như tôi thì chẳng có vị trí nào cả… Vậy màu xám này mãi là máu xám hay màu xám sẽ thay đổi ?

Cần Thơ ngày 10/10/2021

Trên đường về lại trường sau gần 1 tháng thực hiện nhiệm vụ Cần Thơ Xanh. Nhìn qua cửa sổ kính, khi xe lăn bánh tôi chạy tới về phía trước, khung cảnh ven đường lùi về phía sau. Hình ảnh ấy cứ như “dù có muốn nhìn lại phía sau thì cũng sẽ ngày càng xa cho đến mờ dần rồi biến mất”… 

Hôm nay đường phố đã tấp nập hơn, xe cộ tranh nhau vượt qua những con đường quen thuộc. Con người cũng vội vã quay lại cuộc sống bận rộn. Đã lâu rồi mới thấy cảnh dừng đèn đỏ trước ngã tư Nguyễn Văn Cừ; trong đầu cứ lẩm nhẩm đếm ngược thời gian chờ đèn đỏ cứ như một thói quen. Đã lâu rồi mới thấy nhiều hàng quán sau ngần ấy thời gian đóng cửa vì dịch bệnh. Đã lâu rồi mới thấy mọi người vui vẻ, hạnh phúc được trở lại cuộc sống bình thường mới. Người ta thường nói sau mỗi hành trình chúng ta nên nhìn lại bản thân của quá khứ, riêng tôi, tôi nhận thấy: Mình đã từng “sống gấp, sống vội” suốt mấy năm nay?

Trước đây tôi vốn là một người chỉ biết đưa mắt vào những trang sách, vùi đầu vào những buổi đi lâm sàng. Sáng thức dậy bắt đầu trên chiếc xe đến bệnh viện thực tập, trưa lại vào giảng đường trau dồi kiến thức, tối lại trực đêm học hỏi kỹ năng lâm sàng. Cuộc sống cứ quay cuồng cứ học rồi trực và lại thi. Tôi chẳng biết mình dần bỏ đi rất nhiều thứ từ việc giao lưu, kết bạn, quan tâm đến gia đình và ngay cả sự chăm sóc bản thân. Với vẻ ngoài luộm thuộm nên cũng chẳng có ai kết bạn với tôi. Và dĩ nhiên tôi cũng chẳng mấy quan tâm. Có chăng tôi đã “lạnh cảm” thật!

Trong suốt những ngày đầu Cần Thơ bùng dịch, tôi nhưng được sống với ước mơ “nhàn rỗi” của mình. Tôi đã chán ngán cảnh mỗi ngày thức sớm đến trường, chán cái cảnh phải ăn uống vội vã, rồi lại thức khuya về trễ vì trực đêm. Càng sợ hãi hơn những đêm dài học bài thi cữ, những con điểm chẳng mấy cao bằng thằng bạn của mình. Mà bây giờ, tôi được cuộn mình nằm trong chăn ấm ngủ đến trưa rồi thưởng thức những món ăn mình thích. Chơi những trò chơi không cần nhìn đồng hồ, coi những bộ phim không cần phải thức sớm. Cuộc sống không còn áp lực của những buổi giao ban, trực đêm, gặp bệnh nhân. Tất cả tưởng chừng là giấc mơ, nhưng chính vì dịch bệnh mà nó thành sự thật. Phải chăng “cá sống trong chậu là an toàn hơn, tự do hơn trong ao hồ”?. Rồi dần cũng chán, mỗi ngày cứ lẩn quẩn trong phòng trọ chưa tới 20m2. Tôi không muốn dịch bệnh nữa, tôi muốn bận rộn của ngày xưa, tôi muốn được gặp bạn bè, ra phố. Thật tình cờ, khi tôi nhận được mail của trường kêu gọi sinh viên tham gia chiến dịch Cần Thơ Xanh. Chẳng suy nghĩ tôi liền đăng ký với suy nghĩ đơn giản đi cho vui, đi cho bớt chán!

Và tôi đã soạn hành lý lên đường làm nhiệm vụ suốt gần một tháng, những mẩu chuyện vui buồn đã được rất nhiều người chia sẻ. Và bản thân tôi cũng nằm ở vài trong nhiều câu chuyện đó. Có những khó khăn chẳng bao giờ kể hết, những giọt mồ hôi tưởng chừng gục ngã. Hành trình tuy không dài, chiến trường tuy không có súng đạn, bom rơi, máu chảy nhưng nơi này có nhiệt huyết của tuổi trẻ, có nước mắt và tinh thần đoàn kết, quả quyết của đồng đội. Nhưng những thay đổi trong tôi, những sự chuyển biến trong tâm lý của một người vốn sống khép mình chính là cái tôi có được trong hành trình này. Chuyến đi đã giúp tôi học hỏi, nhận ra bản thân mình đã sống vội để bỏ quên những yêu thương xung quanh mình. Rồi giờ đây tôi mới biết trân trọng những gì mình có:

Con thương cha – nhớ mẹ. Gia đình là nhất!

Trân trọng gia đình – Mẹ ủng hộ tôi tham gia chiến dịch, mỗi ngày mẹ đều gọi hỏi thăm tôi. Trước đây mẹ cũng có gọi nhưng tôi cũng chỉ trả lời vội vài câu rồi cúp máy. Tôi diện lý do là bận học, đang đi trực để không phải nói chuyện nhiều với mẹ. Nhưng những ngày trong đỉnh dịch, tôi muốn nói chuyện với mẹ nhiều hơn, muốn hỏi thăm mẹ tình hình dưới quê sao rồi? Cha có đỡ đau ốm hay không? Rồi dặn dò mẹ phải cẩn thận, chăm sóc bản thân và gia đình? Chưa bao giờ tôi sợ hay lo lắng cho gia đình mình đến vậy! Nhìn nhiều người có người thân mất vì covid, chưa kịp nói với nhau điều gì mà mỗi người một phương trời. Nghĩ thôi mà lòng đã rơm rớm nước mắt. Nói chuyện với mẹ nhưng bên đây tôi cố nén chặt nước mắt bên trong chỉ sợ mẹ thêm lo lắng cho đứa con này. Tôi ước gì sau dịch mình được về quê, được sà vào lòng mẹ, rồi phụ cha công việc nương rẫy để cha đỡ đau lưng. Thời gian trưởng thành của bản thân đã đánh đổi đi tuổi già của cha mẹ, nó càng đánh đổi nhanh hơn khi ta ít quan tâm, yêu thương họ. Mỗi ngày tôi chỉ cầu mong được nghe giọng mẹ “rầy” thương tôi, giọng cười lớn tiếng của cha qua điện thoại thì tôi cũng an tâm vì họ còn sức khỏe. Ngày trước có thời gian rảnh rỗi sao không nói thương cha, nhớ mẹ? Sao không về thăm nhà dẫu biết cha mẹ ngóng trông con về?

Cuộc sống đẹp lắm!

Trân trọng cuộc sống – Tôi nhận ra rằng cuộc sống có nhiều hướng đi, quan trọng nằm ở bản thân chúng ta muốn rẽ hướng nào. Việc đứng ở ngã tư đường:đi thẳng, hay trái phải là do ta quyết định. Nếu ngày ấy tôi do dự không đi chiến dịch, nếu ngày ấy tôi cứ mãi đắm chìm vào cuộc sống “nhàn rỗi” ấy thì sẽ chẳng bao giờ có tôi ngày hôm nay.? Ra khỏi vùng an toàn, được trải nghiệm, được kết nối thêm bạn bè tuy mới đầu xa lạ nhưng dần quen, đặc biệt người dân mảnh đất Tây Đô này. “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về”. Đúng vậy, Cần Thơ không chỉ là thủ phủ miền Tây với cảnh đẹp, mà con người nơi đây cũng đẹp tình, đẹp nghĩa và thân thiện. Những tình cảm mà họ dành cho chúng tôi nói riêng, tình nguyện viên nói chung thật ấm áp. Tất cả như lời động viên, cổ vũ tinh thần, góp thêm sức mạnh trong những ngày chống dịch nơi đây. Không những vậy, được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh đang gồng mình mưu sinh chiến đấu với dịch bệnh mà thấy thương vô cùng. Đối với họ, một ổ bánh mì là bữa ăn cả ngày đối với họ. Đêm ta có thể ngủ ngon giấc nhưng đêm của họ là phải suy nghĩ bữa ăn của ngày mai. Phải chăng ta đã sống quá hạnh phúc? Cuộc sống của những ngày mà ta cho là bận rộn, khó khăn lúc trước cũng chẳng có là bao so với những người ngoài xã hội kia?

 

Thời gian rất đáng quý. Đã qua thì không thể quay lại!

Trân trọng thời gian – Thấm thoát cũng đã là cậu sinh viên năm tư. Thời gian chẳng đợi chờ ai. Mới ngày đầu bỡ ngỡ, xa lạ với môi trường mới nhưng bây giờ đã gắn bó, thân thiết như người trong gia đình. Nhắm mắt lại, mới ngày đầu đây mà giờ đã là ngày cuối của chiến dịch rồi. Công việc mỗi ngày cứ lặp đi lặp lại, tôi chẳng cần nhìn đồng hồ cũng biết lúc ấy là mấy giờ. Cứ đúng 6h là tin nhắn nhóm: “có đồ ăn sáng rồi mọi người ơi” – tổ hậu cần nhắn. Hay cứ đúng 10h30 “báo cáo số liệu sáng nay nhé” – của chị trưởng nhóm. Và cứ đúng 20h “mọi người xuống nhận vật tư cho ngày mai nhé!” – của anh quản lý vật tư. Mỗi ngày bắt đầu vào nhiệm vụ, hoàn thành vào xế chiều và kết thúc bằng việc tắt đèn đi ngủ. Đối với chúng tôi, từng thời gian quan trọng bằng phút, bằng giây. Mọi việc làm phải thật kỹ, thận trọng và tỉ mỉ vì tính chất quan trọng của lọ mẫu và kết quả của những hộ dân. Trong suốt hành trình này, tôi cảm nhận thời gian được sử dụng rất ý nghĩa, không phí mất hai tiếng để chơi game, không phí mất một giờ để bấm điện thoại thay vì ngủ trưa và không tốn 3 tiếng để thức khuya lướt tiktok. Hóa ra trước giờ mình sống “phung phí” thời gian mà mỗi ngày trôi qua một cách vô nghĩa, vô khoa học thế à?                                                                                       

Con tim đã “ấm”, đã mở lòng hơn!

Trân trọng tình cảm – Được kết nối nhiều bạn bè, anh chị hơn. Tôi như được đón vào thế giới mới. Một thế giới đầy ắp sự thân thiện, gắn bó cùng nhau. Từ nhiều vùng miền, nhiều độ tuổi, chúng tôi đã chung sống thành một tập thể. Chia sẻ, động viên nhau, chăm sóc mỗi khi ai đó bệnh, gắn bó cùng nhau suốt gần một tháng với nhiều kỷ niệm khó phai. Cùng với đó, tôi được sự yêu thương, giúp đỡ các anh chị, cô chú phường XY. Nhớ hoài những bữa cơm má Năm – người phụ nữ tuy đã ngoài 50 nhưng nhanh nhẹ, hiền hòa lo cho chúng tôi mỗi bữa cơm được gói ghém cẩn thận. Nhớ hoài chị H – chẳng biết chị thức từ khi nào, soạn từ lúc nào mà cứ ngày hai buổi chị sắp sẵn những vật tư, thùng đá ngay ngắn theo thứ tự từng đội cho mỗi đội chúng tôi di chuyển, không quên mỗi túi đồ vài chai nước suối cho chúng tôi đỡ khát. Thật ấm lòng, mọi thứ đơn giản, nhỏ nhoi nhưng ấm áp, đầy sự yêu thương mà cô chú đã dành tặng. Nơi ấy như là hậu phương vững chắc cho nơi tiền tuyến an tâm làm nhiệm vụ. Đã rất lâu, tôi luôn cố gắng né tránh những người mới, vì muốn bảo vệ bản thân khỏi sự nguy hiểm. Tôi thích được một mình và chỉ sống vì bản thân mình. Nhưng tình cảm ấy đã sưởi ấm con tim “giá lạnh”- một con tim lâu ngày luôn đóng chặt, e sợ với xã hội kia. Giờ đây nó đã có hơi ấm – hơi ấm của tình yêu thương san sẻ nhau.

Chàng trai này đã biết yêu đời hơn, đón nhận những điều tốt đẹp và tươi mới. Chẳng còn vùi mình vào mớ hỗn độn của những điều tiêu cực, chẳng còn khép mình vào thế giới riêng của bản thân. Tôi không còn chỉ sống riêng cho bản thân mình mà sống vì những người yêu thương tôi, vì gia đình, vì bạn bè. Người ta thường bảo “sau cơn mưa sẽ có cầu vồng” Tôi nghĩ rằng: đại dịch đã vượt qua đã có nhiều thay đổi hơn, nó giúp chúng ta có thời gian nhìn nhận lại cuộc sống, biết quan tâm những người thân bên cạnh chúng ta. Chúng ta biết được có nhiều tình cảm ấm áp giữa người với người. Việc đón nhận cầu vòng như thế nào là ở bản thân mỗi chúng ta, đừng chìm đắm trong ký ức hay quá lo lắng về tương lai. Hãy sống trọn vẹn bằng tất cả những gì mình có.

Chàng trai màu xám chẳng thay đổi mình để cố gắng bằng màu hồng. Nhưng màu xám đã nhận ra ý nghĩa của bản thân, sẽ có một ngày màu xám sẽ tô điểm cho cánh buồm giương to giữa biển khơi đầy uy dũng và hiên ngang./.

 image001.jpg

Những “chiến sĩ” không cầm súng chỉ cầm “que”

image001.jpg 

Đội hình truy quét COVID-19 lần 1

Tái bút thương nhớ Cần Thơ và đồng đội - Nguyễn Phong Vinh (YR K44)

image001.jpg

Đội hình truy quét co-vi lần 2 




Sinh viên tình nguyện Nguyễn Phong Vinh