Nước đi ra biển – lại mưa về nguồn

12/10/2021

Lượt xem: 342

Những ngày thu tháng 9, Cần Thơ không còn mang trên mình sự năng động nhộn nhịp vốn có. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID 19 đã lấy đi rất nhiều thứ: từ sức khỏe, việc làm, tiền bạc,… và thứ mà nó lấy đi nhiều nhất là gia đình. Nhiều người vợ phải xa chồng, nhiều đứa trẻ phải rời xa vòng tay ba mẹ, và cũng rất nhiều người phải ra đi mãi mãi. Thật sự xót xa!

Tôi phải làm gì để không thấy cảnh tượng này? Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, sợ mình sẽ lỡ mất cơ hội được góp phần công sức vào cuộc chiến với đại dịch. Sau nhiều trăn trở, tôi quyết định biến nó thành hành động, đăng ký tham gia tình nguyện tại bệnh viện dã chiến số 1 Cần Thơ.

Cần Thơ, ngày 13 tháng 9 , tôi có mặt tại bệnh viện, ở đây tôi gặp những người rất xa lạ, nhưng chúng tôi đều có chung một mục tiêu – quyết tâm chiến thắng đại dịch, và đã trở thành thân quen không biết tự bao giờ.

image001.jpg

Hình ảnh tôi và đồng nghiệp đang thực hiện nhiệm vụ.

            Tôi còn nhớ tua trực đầu tiên của tôi là ca trực đêm, từ 23 giờ đến 7 giờ ngày hôm sau. Với tôi, đêm đó thật sự là một đêm đầy cảm xúc – chạnh lòng.Tiếng còi xe xé tan khoảng không yên lặng lúc giữa đêm. Rầm! – sau tiếng mở cửa xe dứt khoát, hình ảnh người phụ nữ lọt thỏm trong bộ PPE, trên tay bế đứa trẻ chừng vài tháng tuổi từ từ bước xuống xe cấp cứu. Lẽo đẽo theo chân người phụ nữ ấy còn có một đứa trẻ khoảng hai tuổi. Họ từng bước tiến lại phía tôi. Loáng thoáng tôi nghe được lời nói của đứa trẻ bên chân mẹ: “Mẹ ơi, ba đâu rồi?”.Nghe mà thương gì đâu…


image001.jpg

Hình ảnh những đứa trẻ theo chân ba mẹ tại Bệnh viện dã chiến số 1

Sau khi sàng lọc, hoàn thành thủ tục giấy tờ, tôi hướng dẫn họ lên phòng, và quay về khu tiếp nhận để làm nốt phần việc còn lại. Công việc cứ thế trôi qua, hằng ngày phải chứng kiến những hình ảnh xót xa, những hoàn cảnh đáng thương, những giây phút đau lòng. Nhưng… rồi đắng cay nào cũng qua, cuối cùng tôi cũng thấy được những nụ cười kèm những giọt nước mắt hạnh phúc. Khi họ nhận được kết quả xét nghiệm âm tính, là lúc họ sắp được trở về đoàn tụ với gia đình sau bao ngày đấu tranh với Covid, cũng là lúc tôi thấy được ngày chiến thắng đại dịch đang đến gần. Mỗi ngày trôi qua, được nhìn thấy nhiều người khỏi bệnh, được thấy những nụ cười nở trên môi. Lòng an yên hạnh phúc ngập tràn! 


image001.jpg

image001.jpg

Hình ảnh công việc thường ngày của tôi tại Bệnh viện dã chiến 1

 

Rồi thời gian trôi qua, Cần Thơ bắt đầu khởi sắc, cũng là lúc kết thúc một tháng hành trình chống dịch. Ở đây tôi đã cảm nhận và học hỏi được rất nhiều điều, như việc chăm sóc cũng như việc hướng dẫn bệnh nhân tự chăm sóc chính mình và người thân. Biết được cách cùng nhau san sẻ, cảm thông trong công việc với mọi người. Biết yêu quý cuộc sống hơn.Và điều quan trọng nhất, là sau này nếu có già đi thì tôi cũng có những hoài niệm về tuổi trẻ đầy nhiệt huyết không hề lãng phí, vì đâu đó tôi đã góp một phần nhỏ sức mình để được phục vụ sức khỏe cộng đồng.

Cần Thơ ngày 12 tháng 10, tôi trở về cách ly sau hành trình một tháng tại bệnh viện dã chiến. Tiếp tục hành trình, tôi trở lại bệnh viện thực hiện chiến dịch  tiêm vắc – xin cộng đồng theo hướng dẫn chỉ đạo của bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Cần Thơ.

Tôi nghĩ rằng, ai trong chúng ta cũng có mong muốn đem nhiệt huyết, năng lượng tích cực lan tỏa đến mọi người. Dù đi đâu, làm gì, giây phút nào, tôi – và có lẽ cả chúng ta nữa, khi tổ quốc gọi chúng ta luôn sẵn sàng “NƯỚC ĐI RA BIỂN – LẠI MƯA VỀ NGUỒN”

“Sức khỏe – tuổi trẻ của tôi xin được góp phần nhỏ cho đời.”

Kết thúc nhật ký dã chiến, tôi xin gửi đến các bạn một clip nhỏ vui tươi.





ĐD. NGUYỄN NỮ THU PHÚC - Bệnh viện trường Đại học Y – Dược Cần Thơ