Thành công của bạn bắt đầu từ đâu?
Lượt xem: 442
Nếu có ai đó hỏi tôi "Thành công của bạn bắt đầu từ đâu?”, tôi sẽ trả lời rằng mà không cần phải đắn đo suy nghĩ “Đó là từ thầy cô ở mái trường Đại học Y Dược Cần Thơ – những người đã mang đến cho tôi những kiến thức, kỹ năng làm hành trang giúp tôi vững bước vào đời”.
Từ những ngày đầu bước chân đến
trường Đại học Y Dược Cần Thơ – nơi được gọi với cái tên thân thương "Cờ
tum". Tôi được thầy cô dạy nhiều về chuyên môn, về kỹ năng và hơn thế nữa
là chữ "Tâm" với nghề. Đó là tài sản vô giá để tôi có thể bước chân
vào đời sau quãng thời gian đại học.
Cũng như mọi năm, đến tháng 11 là
toàn thể sinh viên Đại học Y Dược Cần Thơ lại háo hức đón chào kỷ niệm ngày
Nhà Giáo Việt Nam - 20/11. Đây là dịp để chúng ta tôn vinh những người "lái đò thầm lặng"
và cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng đến với những
người thầy, người cô - người đã hết lòng với thế hệ trẻ.
Hôm nay, một buổi sáng thật yên
bình với những làn gió thoáng qua mang chút hơi lạnh, những tia nắng nhẹ
xuyên qua kẻ lá dịu dàng mang đến hơi thở của sự tươi mới, tràn đầy năng lượng
như tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ cho đất nước ta sẽ chiến thắng đại dịch, mọi người
trở về cuộc sống như cũ, Cần Thơ lại nhộn nhịp như trước. Tôi cảm thấy tự hào
và vinh dự khi khoác lên mình một bộ áo dài để dự lễ cùng các bạn, các anh
chị và thầy cô thân yêu.
Đối với tôi 20/11 năm nay thật đặc
biệt vì năm nay tôi đã là một sinh viên năm cuối, đã trải qua rất nhiều cảm xúc
tuyệt vời từ khi bước vào ngôi trường thân yêu này. Tôi xem đây là ngôi nhà thứ
hai - nơi lưu lại những kỷ niệm, những dấu ấn đáng nhớ nhất
cuộc đời. Nơi đây, thầy cô và bạn bè như những người thân luôn luôn hỗ trợ,
giúp đỡ tôi mọi lúc, họ tiếp thêm sức mạnh cho tôi để vượt qua khó khăn để tôi
từ một cô gái yếu đuối trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn.
Nói đến đây kí ức về ba năm trước
khi bắt đầu vào trường lại ùa về trong tôi. Khi biết mình trúng tuyển vào Trường
Đại học Y Dược Cần Thơ với chuyên ngành Điều Dưỡng, tôi rất vui sướng vì ước mơ
ấp ủ của mình đã thành hiện thực. Ngày tôi khăn gói lên Cần Thơ với biết bao
hoài bão mơ ước, đồng thời cũng cảm thấy lo lắng về mọi thứ khi lần đầu xa gia
đình.
Năm đầu đại học như một trang mở
đầu cho cuộc hành trình dài phía trước của tôi. Với sự bỡ ngỡ lo lắng, sợ hãi về
những tiết học đầu tiên, Nhưng nhờ sự ân cần, giúp đỡ tận tình, tạo không khí thoải mái
trong giờ học của các thầy cô, đã giúp tôi dần thích thú với bài giảng. Ngoài
ra thầy cô còn là người gắng kết các thành viên trong lớp lại với nhau, bằng những
cuộc thảo luận nhóm, bài tập tự học, hay những buổi thuyết trình,…chính những
hình thức ấy đã giúp tôi có được những người bạn thân thiết, đồng hành cùng
mình vượt qua các kỳ thi, các buổi trực đêm tại bệnh viện sau này mà tôi không
thể nào quên. Đặc biệt với năm học này, lần đầu tiên tôi được tiếp cận với
hình thức thi đặc biệt là “chạy trạm”. Đó là cách thi rất mới lạ, đòi hỏi tôi phải
thuộc các chi tiết trên cơ thể một cách chính xác, phản ứng nhanh, nhạy bén, và
đặc biệt là thật bình tĩnh khi nghe tiếng chuông “chuyển trạm”. Thật sự khi bước
vào phòng thi tôi rất áp lực và căng thẳng, nhưng nhờ sự động viên của các thầy
cô bộ môn và các bạn, tôi cũng đã hoàn thành được bài thi. Có thể đây là điều
mà tôi không thể nào quên.
Thấm thoát trôi qua tôi trở thành
cô sinh viên năm Hai, mở đầu năm học là những tiết học: điều dưỡng cơ bản, kỹ
năng giao tiếp,…Ở đây tôi được thầy cô hướng dẫn các kỹ năng cơ bản để chăm sóc
người bệnh như: truyền dịch, tiêm mạch, lấy máu tĩnh mạch, đặt thông tiểu, thông
dạ dày,…ban đầu chúng tôi sẽ được thực hành trên các mô hình, hoặc thực tập qua
lại với nhau nhưng trên hết vẫn đảm bảo an toàn. Ngoài ra còn được thầy cô dạy
cho các kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân, với người nhà,..giúp họ hiểu rõ tình trạng
bệnh của mình, thoải mái, an tâm điều trị, tin tưởng vào nhân viên y tế,…Đó là
cơ sở là tiền đề giúp tôi tự tin hơn khi bước chân vào bệnh viện, mở đầu cho những chuỗi ngày lâm
sàng ở các cơ sở y tế tại Thành Phố Cần Thơ.
Và thế là năm Ba cũng đến, là một
năm đòi hỏi tôi phải thật cố gắng. Vì tần suất đi lâm sàng ở các bệnh viện ngày
một nhiều. Chúng tôi rất may mắn được nhà trường tạo điều kiện để được thực tập
tại các bệnh viện lớn và có uy tín như: bệnh viện
Đại học Y Dược Cần Thơ, bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ… Nếu
có ai đó hỏi tôi đi như thế có mệt không? Tôi sẽ trả lời là có đấy, mệt đấy,
khó khăn đấy,…Nhưng đều tôi nhận lại được là những kiến thức mới, sự quyết
đoán, khả năng xử lý tình huống của đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện. Điều này được
tôi cảm nhận rõ nhất ở khoa Hồi sức tích cực tại bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần
Thơ. May mắn thay tôi được thực tập hai tuần ở đây, được đồng hành cùng các anh
chị ở khoa trong các đêm trực. Thật sự mỗi bệnh nhân ở đây họ đều đang giành giật
sự sống của mình từng phút từng giây, trên người họ có nhiều thiết bị. Mọi sinh
hoạt cá nhân đều cần sự giúp đỡ của các anh chị điều dưỡng, các anh chị chăm
sóc rất chu đáo và tận tình. Mỗi khi các chỉ số sinh tồn của họ thay đổi theo
chiều hướng xấu, cả ekip buổi trực hôm đó đều sốt sắng tìm hướng xử lí tốt nhất
cho bệnh nhân. Mọi người đều hi vọng, sau những tháng ngày điều trị, các bệnh
nhân của mình sẽ bình phục, trở về cuộc sống thường nhật, trở về với những người
thân yêu.
Trái ngược với không khí nơi này
thì tại Bệnh viện phụ sản Cần Thơ. Nơi tôi chứng kiến sự hân hoan, hạnh phúc của
bậc làm cha làm mẹ khi họ chào đón thiên thần nhỏ của mình. Các chị hộ sinh,
các bác sĩ cũng không ngoại lệ, họ rất vui sướng khi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ
của mình, đưa một sinh linh bé bỏng vào thế giới này.
Hoặc lớn lao hơn nữa là cái “tâm”
mà các anh chị điều dưỡng, bác sĩ trong khoa dành cho bệnh nhân với những hành động nhỏ
như những lời hỏi thăm: “Hôm nay bác ăn ngon miệng không? Bác ngủ ngon không?...Hay
là tình cảm giữa người mà các bệnh nhân dành cho nhau “tui có tý cháo, anh ăn cùng
tui nhé!”
Và rồi tôi kết thúc chuỗi ngày
lâm sàng năm 3 bằng hình thức thi vấn đáp. Cũng lại là một hình thức mới, với
cách thi này đòi hỏi tôi phải nắm rõ tình hình bệnh nhân ngày hôm đó, các chăm
sóc cần can thiệp,….và trả lời được những câu hỏi của thầy cô. Nói chung đây cũng
là một hình thức kiểm tra toàn diện về lý thuyết và lâm sàng cho sinh viên. Qua
đó tôi biết được mình học được gì, những hạn chế cần khắc phục, và các bài học
kinh nghiệm mà thầy cô và các anh chị trong khoa chia sẻ, tôi xem như một hành
trang cho mình khi bước vào năm cuối đại học.
Thực tế, như mọi người cũng đã biết.
Việt Nam chúng ta đang đối mặt với đại dịch COVID. Toàn dân đều nêu cao tinh thần
chống dịch. Và cũng không ngoại lệ toàn thể CTUMP thân yêu xung phong vào tuyến đầu chống dịch như:
lấy mẫu cộng đồng, bệnh viện dã chiến,…là một thành viên trong đại gia đình.
Khi hay tin trường sắp xếp đội hình lấy mẫu cộng đồng ở Kiên Giang, tôi đã đăng
kí tham. Lần đầu xuống thực địa cảm giác bỡ ngỡ, lo lắng là không thể thiếu
nhưng may thay tôi có thầy cô, đồng đội hỗ trợ hết mình, cùng nhau chia sẻ niềm
vui, nỗi buồn nơi đây. Đó như là một sợi dây vô hình gắn kết các thành viên lại
với nhau.
Hôm nay khi viết những lời tâm sự
này, tôi đã là cô sinh viên năm tư với bao dự định cho năm cuối cấp
này. Nhưng thật đáng tiếc, dịch bệnh đang bùng phát. Tôi và các bạn phải chuyển
đổi hình thức học tập online, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng thầy và trò dưới
mái trường CTUMP luôn cố gắng, đoàn kết, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Với ngày 20/11 đặc biệt như thế này, tôi xin kính chúc
quý thầy cô, cán bộ nhân viên trường Đại học Y Dược Cần Thơ có một ngày 20/11
thật nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công trong công cuộc trồng người, đào tạo
ra các y bác sĩ giỏi phục vụ cho đất nước.
Tham dự lễ ngày Nhà Giáo Việt Nam
Khoa Điều dưỡng và Kỹ thuật y học của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
Nguyễn Thị Ngọc Hiền – Lớp CNĐD khóa 44