Thông điệp của Thủ tướng về chủ đề 'Đoàn kết chống COVID-19'
Lượt xem: 110
Ngày 8/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương thông điệp với chủ đề “Đoàn kết chống COVID-19”. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Thông điệp của Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Y tế khu vực Tây Thái Bình Dương thông điệp với chủ đề “Đoàn kết chống COVID-19”. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thưa Quý vị,
Đại dịch COVID-19 đang lan rộng và gây tổn thất lớn cho nhân loại, kể từ Chiến tranh thế giới thứ II. Tôi đánh giá cao trách nhiệm, vai trò của WHO và hoan nghênh Hội nghị trực tuyến hôm nay với chủ đề “Đoàn kết chống COVID-19”.
1. Bài học kinh nghiệm của chúng tôi là sớm nhận thức được tính chất nguy hiểm của COVID-19, đã chủ động ngay từ đầu, từ khi xuất hiện tin về dịch trên truyền thông quốc tế. Với quyết tâm chính trị cao, coi “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đã kiên quyết thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều biện pháp, trong đó có cách ly tập trung người Việt Nam về nước, người nước ngoài vào Việt Nam và các đối tượng tiếp xúc với các ca dương tính đã được phát hiện; nhất là khoanh vùng, tập trung dập dịch tại các ổ dịch.
Đồng thời, thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa ưu tiên kiểm soát, ngăn chặn COVID-19, vừa tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế xã hội, không bị đổ gãy. Chính phủ đã xác định, có thể phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa qua đã kịp thời có các gói hỗ trợ kinh tế, tài chính đến những nhóm yếu thế trong xã hội nhất là người nghèo, người lao động gặp khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống Chính trị Việt Nam đã được người dân tin tưởng, ủng hộ, chung tay hành động. Đến nay, Việt Nam đang kiểm soát được tình hình, chưa có ca tử vong nào, chữa khỏi gần 50% ca bị nhiễm…
2. Việt Nam chia sẻ ý kiến chung về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế. Khi Đại dịch Covid-19 đang tràn qua mọi đường biên giới lãnh thổ, đòi hỏi các quốc gia, dân tộc phải có “đại nỗ lực” và “đại đoàn kết”. Chúng tôi tin tưởng và đề nghị WHO - tổ chức chuyên môn y tế của Liên Hợp Quốc, tiếp tục đi đầu huy động, phối hợp nguồn lực của các quốc gia, ưu tiên cho vắc-xin, thuốc đặc trị, vật tư, thiết bị y tế... Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã ra Tuyên bố Chủ tịch về hợp tác phòng chống COVID-19 và đang cùng các nước thành viên hành động mạnh mẽ.
3. Mặc dù còn khó khăn và nguồn lực hạn chế, song hưởng ứng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về đại dịch COVID-19 (2/4/2020), trong khả năng của mình, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vật tư, thiết bị y tế…cho nhiều nước. Nhân dịp này, chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhân dân các nước đối với cuộc chiến COVID-19.
Tôi tin chắc rằng, sát cánh bên nhau chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân, cùng nhau hợp tác phát triển thịnh vượng hướng tới Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên Hợp Quốc./.
Nguồn: http://mnews.chinhphu.vn/story.aspx?did=392378