Tiến về phía trước
Lượt xem: 723
Thứ sáu tuần trước, với tôi cũng như tất cả y bác sĩ Việt Nam, là một ngày rất buồn. Một ngày không chỉ nước mắt mà có cả đồng nghiệp chúng tôi đã hy sinh. Hàng loạt tuyến phòng thủ y tế bị Covid-19 chọc thủng. Đến hôm nay, 9 bệnh viện bị cách ly tuyệt đối.
Bệnh viện của tôi triển khai tiêm vaccine từ ngày 26/4. Những mũi đầu tiên dành cho ban giám đốc, tiếp theo là khối phòng ban kế cận, rồi đến trưởng phó khoa, tiếp tục các bác sĩ. Điều dưỡng và nhân viên hành chính là những người thực hiện mũi tiêm cuối cùng.
Hôm 26/4, chúng tôi chào nhau bằng câu hỏi "đã tiêm chưa?". Ngày kế tiếp, khoa của tôi có người phải nghỉ làm. Ngày tới, chúng tôi gặp lại bằng câu chào "có sốt không, đau người không?". Mọi người dù mệt mỏi, sốt nhẹ, hay đau nhức khắp cơ thể vẫn cố gắng đến viện phục vụ bệnh nhân.
Sáng hôm Bệnh viện K bị cách ly y tế tuyệt đối, tôi đi một vòng qua khu phân luồng khám và khu khám riêng biệt dành cho bệnh nhân ho sốt. Tôi thấy những nhân viên đeo khẩu trang chuyên dụng, mũ, kính bảo hộ, ủng bảo hộ.
Buổi chiều, bệnh viện gửi danh sách dài những người phải đến phòng biệt lập xét nghiệm gấp vì có yếu tố tiếp xúc với Bệnh viện K. Người có tên phải chuẩn bị sẵn sàng đi cách ly ngay lập tức sau khi có kết quả xét nghiệm.
Covid-19 đang lây lan với tốc độ báo động tại nước ta. Dữ liệu cho thấy số ca nhiễm mỗi ngày tăng như leo núi, F1 và F2 nhiều không đếm xuể. Tất cả những đỉnh của đợt dịch trước đều bị xoá mờ.
Trong đại dịch, y tế là tuyến đầu, mỗi y bác sĩ là một chiến sĩ xung trận. Covid-19 là kẻ đang giam giữ cả nhân loại, vì thế, chúng tôi phải tồn tại để chiến đấu và giành lấy chiến thắng.
Trong đại dịch, vaccine là vũ khí quan trọng nhất để chiến đấu với virus, bảo vệ người dân. Ý thức được điều đó, nhân viên y tế đã chấp nhận rủi ro có thể xảy ra, xung phong tiêm những mũi đầu tiên.
Đó đây trong xã hội, có những lời chê trách đồng nghiệp chúng tôi cẩu thả để bị nhiễm bệnh, để lây cho bệnh nhân, những bệnh viện hàng đầu bị chọc thủng gây ra bao hệ luỵ. Nhưng nhân viên y tế chúng tôi không chê trách đồng nghiệp.
Bởi, chúng tôi hiểu rằng làm ngành y, không ai có thể nói trước ngày mai, biết trước điều gì xảy ra với mình. Chẳng ai biết mình sẽ chắc chắn vượt qua được tai hoạ. Đó là sinh nghề tử nghiệp.
Những ngày qua, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này, hàng trăm y bác sĩ đã ngã xuống trên trận tuyến chống Covid-19. Bác sĩ Vivek Rai được ca ngợi là người hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, cứu sống rất nhiều bệnh nhân nguy kịch. Nhưng, phải chứng kiến quá nhiều ca bệnh tử vong ở Ấn Độ, người hùng ấy đã không chịu nổi nỗi đau. Anh đã chọn cách tự kết thúc cuộc đời mình.
Giáo sư Rajendra Kapila, chuyên gia Covid-19 đặc biệt của Mỹ đã tình nguyện vào tâm dịch Ấn Độ. Ngày 3/5, giáo sư Kapila đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 83 vì chính virus quái ác.
Quả bom nhiệt hạch Ấn Độ vừa phát nổ, Việt Nam có be bờ chắc chắn thế nào chăng nữa cũng không tránh khỏi những cơn sóng thần Covid-19 tràn vào đất nước.
Trong đại dịch này, theo tôi thế giới mới đi được một phần ba chặng đường. Cuộc chiến còn hai phần, thậm chí dài gấp đôi như thế, nhưng con người đã hiểu biết hơn để tự tin chấp nhận sống chung với virus.
Cuộc sống vẫn phải tiếp tục tiến về phía trước. Chúng tôi bị thương, đồng nghiệp đã có người gục ngã. Nhưng tất cả chúng tôi sẽ nắm tay nhau đứng dậy, bước tiếp cuộc trường chinh.
Trong khi phải nhận rất nhiều tin buồn dồn dập, cuối ngày làm việc cuối tuần, tôi vẫn nhìn thấy nụ cười của một bệnh nhân. Mấy tháng trước, tôi khám phát hiện ung thư đại tràng giai đoạn sớm cho anh, đã mổ triệt để và sức khoẻ hoàn toàn bình phục. Bệnh nhân đặt vào tay tôi tờ 200 nghìn để "ăn phở mỗi sáng". Tôi nhận 200 nghìn ấy với lòng biết ơn, và cũng xin gửi lại bệnh nhân 200 ngàn để mua thuốc.
Trở về nhà, nụ cười cuối ngày của người bệnh đã giúp tôi vơi bớt. Để tôi cảm thấy: dù gian khó đến đâu, những vất vả cùng sự cố gắng của chúng tôi rồi sẽ được đền đáp xứng đáng.
Trần Văn Phúc
Nguồn: https://vnexpress.net/tien-ve-phia-truoc-4275353.html