Tránh lây nhiễm bằng việc chẩn đoán bệnh từ xa
Lượt xem: 138
Sáng 18-4 tại Bộ Thông tin - truyền thông, chương trình thí điểm chẩn đoán bệnh từ xa khai trương với bốn điểm cầu đầu tiên từ các vùng miền khác nhau được kết nối với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Đây là chương trình được Bộ Y tế phối hợp cùng với các đơn vị công nghệ thuộc Bộ Thông tin - truyền thông triển khai. Chương trình nhằm góp phần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong việc người dân hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh, tránh lây nhiễm dịch bệnh nhưng vẫn được chăm sóc y tế.
Người dân được khám bệnh online
Bộ Y tế đã lựa chọn Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là đơn vị thí điểm triển khai mô hình chẩn đoán bệnh từ xa với một số bệnh viện vệ tinh. Từ trung tâm điều hành tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kết nối với bốn điểm cầu gồm: Bệnh viện Đa khoa Mường Khương (tỉnh Lào Cai), Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), trạm y tế xã và nhà người bệnh tại thôn Câu Đồng (xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) và điểm cầu ở nhà người bệnh mãn tính tại Hà Nội.
Với việc triển khai chương trình này, các bệnh nhân đã đặt hẹn khám sẽ được các bác sĩ thăm khám trực tuyến. Riêng những ca bệnh nặng, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được hội chẩn với các chuyên gia tại trung tâm điều hành để có hướng điều trị phù hợp...
Bộ Thông tin - truyền thông cho biết căn cứ hiệu quả của mô hình triển khai thí điểm này, hai bộ sẽ phối hợp mở rộng quy mô tại các tỉnh và TP khác, giúp người dân trong cả nước, đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng nghèo khó... có cơ hội được chăm sóc sức khỏe trong thời điểm dịch bệnh COVID-19.
Hiệu quả phải được nhân đôi, nhân ba
Sau khi trực tiếp trò chuyện, động viên các bệnh nhân cùng cán bộ y tế tại những điểm cầu của chương trình chẩn đoán bệnh từ xa, Thủ tướng đánh giá "nền tảng chẩn đoán bệnh từ xa bao gồm 6 lĩnh vực. Trong đó có chẩn đoán và điều trị là điều khá mới mẻ với nước ta, một quốc gia có chiều dài trên 3.000km với nhiều núi non hiểm trở, xa cách".
Việc chẩn đoán bệnh từ xa được ngành y tế triển khai trên nền tảng ứng dụng CNTT nhằm góp phần thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 thông qua việc giúp người dân hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh nếu không cần thiết nhưng vẫn được chăm sóc y tế. Về lâu dài, chương trình sẽ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Nhân sự kiện khai trương nền tảng chẩn đoán, khám bệnh từ xa, Thủ tướng đề nghị "việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các hệ thống khám chữa bệnh từ xa phải có hiệu quả nhân đôi, nhân ba. Điều này đáp ứng được nhu cầu chống dịch và giảm giấy tờ phức tạp, giảm chi phí, đem lại lợi ích cho người dân".
Bày tỏ mong muốn nền tảng ứng dụng sẽ được Bộ Y tế sớm triển khai đến tất cả các bệnh viện trong cả nước, Thủ tướng giao Bộ Y tế và Bộ Thông tin - truyền thông phối hợp chặt chẽ với nhau để chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Từ đó từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế. Đó cũng là tiền đề để hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế sau này.
* Ông Trần Quý Tường (cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế):
1.300 bệnh viện có thể khám, tư vấn bệnh từ xa
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) có ứng dụng VOV BACSI24 tư vấn, khám chữa bệnh trực tuyến cũng như trên điện thoại thông minh. Chúng tôi đã làm việc với phía VOV và Bộ Thông tin - truyền thông, trước mắt đề nghị các bệnh viện đa khoa trực thuộc Bộ Y tế phân công tối thiểu 6 bác sĩ trực thuộc 6 khoa (nội, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm và khoa khám bệnh) trực mỗi ca. Bệnh viện chuyên khoa phân công 1 bác sĩ trực mỗi ca tham gia tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí cho người bệnh thông qua kết nối trên ứng dụng này.
Với các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện, bệnh viện trực thuộc ngành công an và quân đội, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo văn bản đề nghị các sở y tế, y tế quân đội và công an có hướng dẫn tương tự. Chúng tôi đang chờ lãnh đạo Bộ Y tế ban hành hướng dẫn để có thể sớm triển khai khám, tư vấn, hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe trong mùa dịch. Kỳ vọng của chúng tôi là trên 1.300 bệnh viện công lập trong cả nước có thể tham gia khám, tư vấn từ xa cho người bệnh trên ứng dụng này.
L.ANH
TP.HCM khám bệnh từ xa ở trạm y tế
Bác sĩ trạm y tế phường Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) hội chẩn qua mạng về tình hình sức khỏe của bệnh nhân cùng với các bác sĩ bệnh viện tuyến trên - Ảnh: XUÂN MAI
Ở TP.HCM, thời gian qua ngành y tế đã đưa công nghệ vào việc thăm khám, hội chẩn bệnh từ xa. Đó là đưa ứng dụng teleconsultation để kết nối bác sĩ chăm sóc ban đầu tại trạm y tế với bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện tuyến cuối.
Đây là một trong các ứng dụng chỉ cần có 3G hoặc WiFi là có thể kết nối trực tuyến giữa bác sĩ của trạm y tế với bác sĩ tuyến trên cùng với bệnh nhân, với hình ảnh và âm thanh rõ ràng thông qua điện thoại thông minh, máy tính... Từ đó các y bác sĩ cùng hội chẩn để đưa ra phương án kịp thời nhằm điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Đến nay, tại TP.HCM đã có 17 trạm y tế được trang bị ứng dụng teleconsultation kết nối với bác sĩ các bệnh viện đầu ngành của TP.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 4 rất nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã triển khai công tác khám bệnh tại nhà cho người dân. Và đến ngày 16-4, giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh tiếp tục có công văn gửi các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP tiếp tục khám chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi và người mắc các bệnh mãn tính trong bối cảnh hạn chế tập trung đi lại. Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay trên toàn TP có tất cả 56 bệnh viện có thể đăng ký khám chữa bệnh tại nhà.
HOÀNG LỘC
Chuyên gia đầu ngành cùng cứu người bệnh COVID-19 nặng từ xa
Để chữa trị kịp thời cho các bệnh nhân COVID-19 có dấu hiệu bệnh nặng, trong hơn một tháng qua 30 chuyên gia đầu ngành hồi sức tích cực, hô hấp, truyền nhiễm... tại các bệnh viện lớn trên cả nước đã tham gia gần 20 cuộc hội chẩn từ xa. Những chuyên gia hội chẩn online để đánh giá những tác động nhỏ nhất đến bệnh nhân, điều chỉnh thuốc, máy thở cùng với các bác sĩ trực tiếp điều trị... Từ đó đã cứu được các bệnh nhân bên bờ vực sinh tử.
Cụ thể, 6 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng nhất cùng các bệnh nhân khác ở Việt Nam đều được cứu sống. Trong đó phải kể đến trường hợp viên phi công người Anh - bệnh nhân 91 - bị rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng trên nền cơ địa béo phì; bệnh nhân 19 có bệnh nền là rối loạn tiền đình. Cả hai bệnh nhân này đều vừa phải lọc máu liên tục, sử dụng máy thở và thiết bị tim phổi nhân tạo (ECMO). Riêng bệnh nhân 19 còn có tới ba lần ngừng tuần hoàn trong đêm đầu tiên được cai ECMO.
Bác sĩ Nguyễn Văn Kính, nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chia sẻ đây là trường hợp đặc biệt bởi thông thường hai lần ngừng tuần hoàn là gia đình đã xin về. Trong khi đó, bệnh nhân 19 đã ngưng tuần hoàn tới ba lần. Như lần ngưng tuần hoàn ở thời điểm 1h sáng, nếu bác sĩ không theo dõi chặt chẽ có thể không theo kịp diễn biến của bệnh nhân. Nhưng các bác sĩ Việt Nam đã theo dõi từng phút và cấp cứu kịp thời.
Hiện cả bệnh nhân 19 và 91 đều đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm, có tri giác trở lại. Bệnh nhân 91 có nhịp tự thở và bệnh nhân 19 có 4 lần xét nghiệm âm tính với COVID-19.
L.ANH
Nguồn: https://tuoitre.vn/tranh-lay-nhiem-bang-viec-chan-doan-benh-tu-xa-20200419072611339.htm