Tuyên truyền kỉ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng

Lượt xem: 19

Chiến tranh qua đi, những bụi thời gian đã phủ dày lên hình ảnh của những người anh hùng, những sự cống hiến của họ đã khắc tạc vĩnh viễn vào tâm hồn của những con người Việt Nam, họ đã dùng máu và nước mắt của mình tô lên hai chữ “Độc lập” của dân tộc. Những năm tháng hào hùng của lịch sử đã khắc sâu vào tiềm thức bao nhiêu thế hệ người Việt ngày hôm qua, hôm nay và cả ngày mai. Đó là những ngày tháng chống thực dân Pháp, điểm hội tụ của muôn triệu tấm lòng yêu nước và cả sự chiến đấu , sự hy sinh cao cả, trong đó hình ảnh đẹp nhất của người lính ở giai đoạn này khi nhắc đến, chúng ta sẽ không bao giờ quên đi được công lao to lớn của đồng chí Phạm Hùng.

Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11 tháng 6 năm 1912, trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước cách mạng tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Long Bình, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

image002.jpg

(nguồn internet)

Khi còn là học sinh, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1930, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư chi bộ trường học và hoạt động qua các cấp chi ủy xã, huyện ủy, tỉnh ủy Mỹ Tho. Hành trình hoạt động chống pháp của đồng chí cũng bắt đầu từ đây, tháng 6/1931, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 3 năm tù, 3 năm quản thúc. Sau đó, trải qua các nhà tù Mỹ Tho, khám lớn Sài Gòn, mặc dầu bị tra tấn dã man; nhưng với ý chí quật cường, bất khuất và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Nhân dân, đồng chí Phạm Hùng kiên quyết không khai báo, làm thất bại mọi mưu đồ khai thác của chúng. Khoảng cuối năm 1932, đồng chí Phạm Hùng bị Tòa đại hình của thực dân Pháp ở Sài Gòn kết án tử hình. Tuy vậy, đồng chí vẫn lạc quan và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cách mạng. Tại xà lim án chém, có lần trong lúc trò chuyện với một giám thị người Pháp, đồng chí Phạm Hùng đã khẳng định niềm tin tất thắng của chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam: “Chắc chắn, các anh không còn, mà chúng tôi thì độc lập, chủ nghĩa cộng sản sẽ thành công ở đất nước tôi… ”.

 

Trước sức ép trong và ngoài nước, thực dân Pháp phải giảm một số án tử hình xuống khổ sai chung thân, trong đó có đồng chí Phạm Hùng. Sau hơn 7 tháng tiếp tục ở xà lim án chém, đồng chí Phạm Hùng bị đày đi Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, cùng với rất nhiều đồng chí khác.

 

             image004.jpg           

(nguồn internet)

Sau những ngày tháng cơ cực ở chốn lao tù, nhờ lòng yêu nước mãnh liệt cuối cùng ông đã chiến thắng được trước sự áp bức của bọn thực dân . Và hành trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam cũng bắt đầu từ đây.

Tháng 6/1950, đồng chí Phạm Hùng trở lại miền Nam và được Xứ uỷ cử phụ trách Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn; tháng 2/1951, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tháng 3/1952, được cử làm Phó Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Phân liên khu uỷ miền Đông kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Phân liên khu miền Đông Nam bộ.

Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam được ký kết, Đồng chí được cử làm Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam bộ; năm 1955, được cử làm Trưởng phái đoàn đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban kiểm soát quốc tế tại Sài Gòn.

Từ năm 1967 đến năm 1975, Đồng chí được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, trực tiếp vào chiến trường chỉ đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đồng chí được giao trọng trách thay mặt Đảng, Chính phủ lãnh đạo, điều hành các công việc của Đảng và Nhà nước ở miền Nam.

Với 58 tuổi Đảng, 60 năm hoạt động cách mạng phong phú và hào hùng, đồng chí Phạm Hùng đã nêu một tấm gương mẫu mực về sự kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đảng và Nhà nước ta đã tặng đồng chí Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 50 tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đồng chí Phạm Hùng - Một cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất. Quả là không ngoa khi dùng những tính từ ấy để mô tả vị anh hùng của dân tộc. Ông sinh ra trong một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Ý chí ấy càng được hun đúc một cách mãnh liệt và nhiệt huyết hơn bao giờ hết khi ông tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng tại Mỹ Tho

 image006.jpg

                       (nguồn internet)

Đồng chí Phạm Hùng là một trong những nhà lãnh đạo có những cống hiến quan trọng, góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo và nhiệt tình cách mạng, Đồng chí được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước trong hòa bình. Trong công tác, thời chiến cũng như trong thời bình, Đồng chí luôn thể hiện phong cách làm việc có chương trình, kế hoạch, có nguyên tắc nhưng không máy móc, thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ của một nhà lãnh đạo tài năng.

Trong suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đồng chí đã cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể Nam Bộ, đề ra nhiều chủ trương quan trọng: Tổ chức tiến hành chiến tranh Nhân dân; thực hiện dân chủ ở nông thôn (tịch thu ruộng đất của thực dân Pháp và địa chủ Việt gian phản động, tạm cấp cho dân cày nghèo); chỉ đạo phong trào đấu tranh ở đô thị; giải quyết thành công vấn đề tôn giáo, làm tốt công tác vận động nhân sỹ, trí thức, tăng cường và mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất; đặc biệt là tăng cường công tác xây dựng Đảng. Nhờ giải quyết tốt vấn đề nông dân và liên minh công - nông - trí, nên cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ không ngừng được đẩy mạnh, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Phạm Hùng được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong những điều kiện khó khăn phức tạp của đất nước sau giải phóng, Đồng chí đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt. Trên mọi cương vị công tác, đặc biệt trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Đồng chí chú trọng xây dựng đạo đức người công an cách mạng, phát động trong toàn lực lượng công an phong trào học tập, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy; góp phần xây dựng lực lượng công an nhân dân trưởng thành lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, làm thất bại hoàn toàn các âm mưu bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch và phản cách mạng thời hậu chiến, giữ gìn sự bình yên cho đất nước.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), đồng chí Phạm Hùng tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ viên Bộ Chính trị; tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (17/6/1987), được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Thủ tướng đầu tiên của nước ta thời kỳ đổi mới.

Tình hình đất nước Việt Nam ta trong những năm đầu thời kì đổi mới gặp vô số những khủng hoảng nghiêm trọng, chưa kể đến các thế lực thù địch trong và ngoài nước luôn thực hiện những chính sách cấm vận bao vây, làm trì trệ, suy thoái nền kinh tế dân tộc. Trên cương vị đứng đầu Chính phủ, Đồng chí khẳng định trước Quốc hội: “Tập thể Hội đồng Bộ trưởng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình bằng ý chí tiến công cách mạng, bằng hành động thiết thực, bằng hiệu quả cụ thể để làm tròn trách nhiệm đối với Đảng, Quốc hội và nhân dân”.

Những cống hiến và hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng trong những năm tháng chèo chống con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn thời kỳ đầu đổi mới đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm của một nhà lãnh đạo chủ chốt với những quyết sách của Đảng và Nhà nước, đưa đất nước ta thoát khỏi đói nghèo, từng bước phát triển, vươn tới phát triển với Cường quốc năm châu.

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân., Đồng chí cũng luôn sẵn sàng xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Phát huy truyền thống cách mạng quý báu do các thế hệ tiền bối để lại, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.


Cao Ngọc Ngà – CTV Phòng Thông tin Truyền thông