Yêu thương và chia sẻ

02/11/2021

Lượt xem: 151

Nhật kí chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh: Cần Giờ, Ngày 30 tháng 9 năm 2021. Thế là đã 34 ngày trôi qua kể từ khi tôi đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn này- Thành phố mang tên bác- Thành phố của sự phồn hoa, nhộn nhịp. Những khoảnh khắc đầu tiên tôi nhìn thấy chỉ là sự vắng vẻ, buồn bã, yếu ớt của một “con người” đang bệnh, chào đón chúng tôi là những cơn mưa mang theo hơi lạnh khiến lòng người man mác.

Thời gian  đúng là trôi qua nhanh thật, mới ngày nào còn bỡ ngỡ gặp nhau mà nay đã phải chia xa, biết bao giờ mới lại có được cơ hội tụ họp nhau, làm việc cùng nhau như thế nữa. Có lẽ có một chút không nỡ, một chút nuối tiếc trong lòng vì mình vẫn chưa cống hiến hết sức hoặc có lẽ là luyến tiếc một thứ gì đó chăng? 

Tôi luyến tiếc những con người nơi đây, dù dịch bệnh nhưng tình cảm dành cho người với người chẳng bao giờ mất đi, cái tình cảm đời thường ấy tựa như vẫn luôn còn mãi dù cho cuộc sống này có vùi dập họ ra sao đi chăng nữa. Họ chào đón đoàn chúng tôi rất bằng tất cả sự nhiệt tình, họ tặng cho chúng tôi những món đồ ăn, nước uống tuy nhỏ bé nhưng lại chan chứa biết bao nhiêu là tình cảm. Thứ tình cảm ấy ấm và nóng lắm!! Nó như truyền vào lòng chúng tôi, thắp sáng thêm cho ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi còn nhớ như in cái ngày đầu tiên tôi đi lấy mẫu tại trường Tiểu học Bình Mỹ, ngôi trường có chút nhỏ bé, một mái hiên không ngăn nổi ánh nắng, không che nổi những hạt mưa. Do chưa quen với thức ăn nơi đây nên trong lúc làm việc tôi đã bị nôn ra, những tưởng bà con xung quanh sẽ sợ hãi nhưng không, mọi người lại rất ân cần, có chú mang cho tôi thao nước để rửa mặt, có cô mang cho tôi một chai nước để uống, có chị mang cho tôi chiếc khăn sạch để lau đi những thức ăn dính trên người. Nhìn ánh mắt mọi người lo lắng mà tôi thật sự ấm lòng.

image001.jpg 

Khoảnh khắc cuối cùng được chụp ảnh tại Cần Giờ

Tôi luyến tiếc những người đồng đội đã gắn bó với mình suốt thời gian vừa qua. Những người đã chỉ dạy cho tôi rất nhiều điều, những người đã luôn sát cánh cùng tôi qua mọi điểm làm việc. Tôi nhớ những buổi đi làm việc cùng nhau dưới cái nắng cháy da, mồ hôi như tắm trong bộ đồ bảo hộ. Hay những trận mưa bất chợt, ai cũng không chạy kịp để rồi cùng nhau ướt mưa. Những lúc ấy chỉ biết nhìn nhau mà cười rồi động viên nhau. Tuy có nhiều khó khăn nhưng thật sự rất vui. Vui nhất là những lúc kết thúc công việc, mọi người cùng nhau tâm sư về những thứ xảy ra trong ngày này, vừa ăn những món ăn, trái cây, nước uống mà người dân tặng cho vừa trò chuyện. Nhớ các anh chị hậu cần thật sự dễ thương và tận tâm, luôn quan tâm, chăm sóc cho mọi người trong đoàn rất chu đáo, không thiếu bất cứ một thứ gì. Chị còn hay chiên cơm cho ăn nữa, ăn cũng rất là ngon. Và còn nhiều nhiều những kỉ niệm đáng nhớ nữa, kể mãi cũng chả hết. Chỉ biết nói cảm ơn các anh chị rất rất nhiều.

image001.jpg

Phòng 206, khách sạn Song Anh, Huyện cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh

 

Chuyến hành trình này có lẽ là một hành trang quí báu cho cuộc sống của tôi. Nó như một điểm sáng cho tuổi trẻ của tôi thêm phần rực rỡ. Tôi học được nhiều thứ hơn, nhìn thấy được những thứ mà trước đây tôi chưa bao giờ thấy, tiếp xúc với những người mà trước đây tôi chưa hề biết đến. Có những thứ này thì tuổi trẻ sẽ không còn vô nghĩa nữa. Tôi thật mong mình có thể tiếp tục đóng góp sức mình cho đất nước. Sài Gòn ơi hãy mau khỏe lại nhé. Tạm biệt Sài Gòn.

            Hạnh phúc là được sẻ chia những niềm vui, những nỗi buồn trong cuộc sống, được quan tâm, được yêu thương, được chăm sóc những người mà chúng ta thân yêu. Được nhìn thấy những người xung quanh ta vui cười, hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đơn giản là được yêu thương và chia sẻ. Chính vì thế, “Yêu thương và chia sẻ” là chìa khóa để chúng ta có thể chiến đấu và vượt qua đại dịch. Đó cũng là điểm sáng trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam ta.

image001.jpg

 Gửi ngàn lời yêu thương đến huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh

 

Chúng ta ai cũng muốn giúp người khác, con người là thế. Chúng ta muốn sống hạnh phúc bên nhau chứ không phải khổ sở cùng nhau. Đó chính là lòng nhân ái”.



Tạ Quang Vinh - YT khóa 44