Hội thảo "Thiết kế và đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra theo AUN-QA"
Lượt xem: 182
Trong hai ngày 7-8/1/2025, tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo "Thiết kế và đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra theo AUN-QA".
Hội thảo nhằm giúp cải tiến các chương trình đào tạo của trường theo các quy chuẩn quốc tế, đáp ứng các yêu cầu kiểm định quốc tế, bắt đầu từ chuẩn AUN-QA. Đồng thời, nhà trường sẽ cải tiến hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong theo chuẩn ESG.
Hội thảo tập trung vào việc nâng cao nhận thức về vai trò của kiểm định AUN-QA trong quá trình chuyển đổi từ giáo dục hướng nội dung (content-based education) sang giáo dục dựa trên chuẩn đầu ra (OBE-Outcome Based Education). Song song với đó là việc cải tiến chuẩn đầu ra cho các chương trình đào tạo (PLO và PI) và học phần (CLO).
Các đại biểu tham dự hội thảo hội thảo bao gồm Ban Giám Hiệu, các trưởng/phó khoa, lãnh đạo các phòng: Đào tạo đại học, Đào tạo sau đại học, Khảo thí, Đảm bảo chất lượng cùng lãnh đạo bộ môn và viên chức tham gia xây dựng đề cương chi tiết học phần. Ngoài ra, còn có các viên chức phụ trách công tác tự đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA ngành Y khoa, Dược học, Điều dưỡng, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền.
GS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, từ năm 1979 đến nay, Trường Đại học Y Dược đã trải qua 4 giai đoạn phát triển. Trong đó, giai đoạn 1 (1979 - 1995) đánh dấu thời kỳ thành lập Khoa Y thuộc Trường Đại học Cần Thơ; giai đoạn 2 (1996 - 2002) thời kỳ hoàn thiện Khoa Y-Nha-Dược, đặt nền móng cho việc thành lập Trường Đại học Y Dược Cần Thơ sau này.
Giai đoạn 3 (2003 - 2016) là giai đoạn xây dựng và phát triển của trường và giai đoạn 4 (2017 - 2024) là giai đoạn nhà trường tự chủ và hội nhập. Trong giai đoạn tự chủ và hội nhập, trường đặt mục tiêu trở thành một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia, với việc kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế là một trong những nhiệm vụ then chốt. Dự kiến Trường sẽ hoàn thành mục tiêu này vào năm 2026 để đạt được chuẩn kiểm định chất lượng khu vực và quốc tế.
GS.TS Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh, thực hiện kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA là chiến lược phát triển chung của Trường, hiệu quả của công tác kiểm định chất lượng phụ thuộc vào sự tham gia và hợp tác của toàn thể cán bộ, giảng viên. Do đó, các thầy cô tham dự hội thảo cần tích cực trao đổi ý kiến, nghiên cứu các nội dung được chuyên gia trình bày tại hội thảo để triển khai thành công nhiệm vụ này.
Tại hội thảo, các đại biểu là lãnh đạo nhà trường, đại diện lãnh đạo các Khoa, đơn vị thuộc trường đã được nghe được nghe chuyên gia trình bày các nội dung tổng quát về đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn của AUN-QA.
Việc áp dụng chuẩn AUN-QA tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ phản ánh xu hướng hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học y dược hiện nay. Thông qua hội thảo này, nhà trường tiếp tục thực hiện lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng chuẩn hóa quốc tế, đồng thời tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
AUN (ASEAN University Network) là mạng lưới các trường đại học hàng đầu của khu vực Đông Nam Á được thành lập vào tháng 11/1995 bởi sáng kiến của Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á, với các thành viên ban đầu do Bộ trưởng Giáo dục các nước đề cử.
Kể từ khi thành lập, AUN đã xem chất lượng đào tạo là một mục tiêu quan trọng nhằm khẳng định với quốc tế về sự phát triển của giáo dục đại học ĐNA, tạo ra sự liên thông và công nhận chất lượng đào tạo lẫn nhau giữa các trường Đại học trong và ngoài mạng lưới AUN. Để thực hiện mục tiêu này, AUN đã đưa ra sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục đại học của các trường trong khu vực Đông Nam Á theo bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung AUN-QA được ban hành vào năm 2004 (AUN-QA là viết tắt của ASEAN University Network - Quality Assurance).
AUN-QA là bộ tiêu chuẩn với các quy tắc chất lượng khắt khe, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tập trung đánh giá những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo của toàn bộ chương trình đào tạo chứ không chỉ dựa trên những đặc trưng riêng của từng chuyên ngành.
Bộ tiêu chuẩn AUN đánh giá toàn diện chương trình đào tạo từ nhiều khía cạnh như chuẩn đầu ra, khung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, kết nối giữa nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp…
Nguyên Trang