Nhân dịp Ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9, trân trọng giới thiệu bài viết "Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945" của TS.Vũ Ngọc Am đăng trên báo điện tử Đảng Cộng sản
Lượt xem: 92
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản ”Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Thời gian đã qua đi hơn 2/3 thế kỷ, nhiều
chi tiết nội dung trong Tuyên ngôn đã được nghiên cứu, làm sáng tỏ trên nhiều
lĩnh vực. Chúng ta càng thấy rõ những tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn chiến lược của
Người thể hiện trong Tuyên ngôn.
Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là văn bản
pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam,
với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con
đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và
vì dân. Hơn thế nữa, Tuyên ngôn độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng
nhân loại, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị
áp bức trên toàn thế giới.
Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử,
một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Với hệ thống lập luận chặt
chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định
mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời
kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.
Nội dung của Tuyên ngôn Độc lập đã được các
nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu, làm rõ, nhưng hiện vẫn còn những
luận điệu xuyên tạc, đặt câu hỏi với dụng ý xấu: Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh
lại mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập bằng những câu trích dẫn từ hai bản Tuyên ngôn
của nước Mỹ và Pháp?
Điều này cần phải hiểu và lý giải rõ.
Một là, Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân
văn hóa thế giới như UNESCO đã tôn vinh, Người nhắc đến hai văn kiện lịch sử ấy
với lòng trân trọng đặc biệt của một trí tuệ lớn đối với sự phát triển của văn
minh nhân loại mà Cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Cách mạng tư
sản Pháp 1789 đã giành được. Đây là những thành quả văn hoá của nhân loại, là
dấu mốc lớn của lịch sử loài người, trong đó đã khẳng đinh những quyền cơ bản
của con người. Đó là "quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh
phúc” … “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn
được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi
được”… Đây là những tư tưởng rất tiến bộ đã được khẳng định trong hai bản Tuyên
ngôn của nước Mỹ và nước Pháp. Dẫn dắt từ sự kiện này để Chủ tịch Hồ Chí Minh
đi đến kết luận nhằm tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của quốc tế đối với cuộc
cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Hai là, trên nền tảng và tiền đề đó, Chủ
tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng, chính cuộc cách mạng mà dân tộc Việt Nam đã
giành được vào Tháng Tám năm 1945 là bước đi tiếp trong sự phát triển của nhân
loại, đồng thời cũng là cột mốc cho sự phát triển của lịch sử giải phóng con
người thuộc các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Đó là mẫu hình đầu tiên và cũng là
ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa nhỏ yếu thoát
khỏi ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới mà cách mạng Việt
Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã gương cao.
Ba là, đi sâu nghiên cứu hai bản Tuyên ngôn
của nước Mỹ và nước Pháp, chúng ta thấy cả hai bản Tuyên ngôn đã đề cao và
khẳng định quyền con người: “Mọi người đều sinh ra bình đẳng”. Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều
sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự
do. Chính sự suy rộng ra đã thể hiện một tư tưởng lớn, một luận điểm quan trọng
thể hiện sự vượt trội của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trình bày trong Tuyên
ngôn Độc lập của nước Việt Nam. Đây là một nội dung rất căn bản, có ý nghĩa
không chỉ đối với dân tộc ta mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với thời đại. Từ đó
tới nay, các nước trên thế giới đã và đang liên tục đấu tranh để giành độc lập,
giành quyền dân tộc cơ bản của mình.
Như vậy, có thể thấy, với vốn tiếng Anh cùng
với thiên tài trí tuệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dịch và trích dẫn Tuyên ngôn của
nước Mỹ và nước Pháp nhưng có sự điều chỉnh và phát triển để thể hiện quan điểm
riêng của mình về quyền con người và trên thực tế, tinh thần ấy đã được thể
hiện và khẳng định trong tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam từ trước đến
nay.
Đó chính là sự đóng góp về lý luận và thực
tiễn về quyền con người, đem lại những tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của
nhân loại.
Hơn 70 năm đã trôi qua, những tư tưởng của
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức
mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực
hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam
quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền
tự do, độc lập ấy”.
Với tinh thần đó mà cách mạng Việt Nam dưới
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành
được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt hơn 70 năm qua. Hiện
nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn
diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức
tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức.
Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ,
thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần
đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc,
đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản
trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống của nhân dân.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập ,chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Nguồn: Internet