Nghiệm thu đề tài cơ sở: “Kỹ năng giao tiếp với người bệnh trong thực hành lâm sàng của sinh viên ngành Y khoa tại các trường đại học khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long”

Lượt xem: 69

Ngày 13/2/2025, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã tổ chức nghiệm thu Đề tài cơ sở: “Kỹ năng giao tiếp với người bệnh trong thực hành lâm sàng của sinh viên ngành Y khoa tại các trường đại học khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long”.
Hội đồng nghiệm thu do PGS.TS Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng nhà trường làm Chủ tịch. Các thành viên của Hội đồng gồm: PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Vân, TS. Thái Thị Ngọc Thúy, TS Trần Quang Khải và ThS. Lê Thị Nhân Duyên.
Đề tài do TS Ngô Phương Thảo, trưởng Phòng Công tác Sinh viên làm chủ nhiệm. Cùng nhóm nghiên cứu gồm: TS.BS Phạm Kiều Anh Thơ, TS.DS Trần Văn Đệ, ThS.BS Phạm Trung Tín và ThS.BS Nguyễn Thái Thông.

TS Ngô Phương Thảo đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả đề tài.
Đề tài được thực hiện trong bối cảnh giai đoạn 2017 - 2022, mỗi năm bình quân có hơn 1.000 sinh viên y khoa tốt nghiệp và về làm việc ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, các nghiên cứu về kỹ năng thực hành lâm sàng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp với người bệnh của các sinh viên y khoa nói chung và sinh viên tại khu vực này còn rất hạn chế. Trong khi đó kỹ năng thực hành lâm sàng của sinh viên đại học ngành y khoa nói chung và kỹ năng giao tiếp nói riêng luôn được xem là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong học tập của sinh viên ngành y khoa, góp phần hình thành kỹ năng lâm sàng và năng lực chăm sóc, điều trị bệnh nhân trong hoạt động ngành nghề sau khi tốt nghiệp.
Đề tài có mục tiêu khảo sát thực trạng đào tạo kỹ năng giao tiếp với người bệnh của sinh viên ngành y khoa các trường đại học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp với người bệnh của sinh viên. Đồng thời tìm hiểu một số mô hình đào tạo kỹ năng giao tiếp với người bệnh của sinh viên ngành y khoa các trường đại học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu xác định các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng giao tiếp với người bệnh trong thực hành lâm sàng của sinh viên ngành Y khoa gồm: bạn đồng học, giới tính, năm học, nội dung đào tạo kỹ năng của cơ sở đào tạo…

Hội đồng nghiệm thu lắng nghe nhóm nghiên cứu trình bày kết quả đề tài.
Nghiên cứu cũng khẳng định tầm quan trọng của giao tiếp trong thực hành lâm sàng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc bệnh nhân và hiệu quả đào tạo y khoa. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất:
Các trường đại học ngành y khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung cần xây dựng nội dung chương trình đào tạo, hệ thống đánh giá dạy và học, hoạt động giám sát phù hợp với chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra của ngành. Nội dung, chương trình thực hành được thiết kế và thực hiện đáp ứng được mục tiêu học tập, chuẩn đầu ra và nhu cầu của sinh viên.
Trong khi đó, sinh viên y khoa cần chủ động học hỏi, rèn luyện kỹ năng giao tiếp thực tiễn với bạn đồng học, đặc biệt là thông qua thực hành trên bệnh nhân – yếu tố then chốt giúp phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá đề tài được thực hiện chỉn chu, công phu, kỹ càng, có giá trị khoa học cả về lý luận và thực tiễn. Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đề tài cũng chỉ ra một số mặt còn hạn chế đồng thời đưa ra một số góp ý để nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện đề tài.
Kết thúc buổi nghiệm thu, Hội đồng đã thống nhất thông qua đề tài với kết quả đánh giá xếp loại Tốt.

PGS.TS Nguyễn Văn Lâm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu góp ý để nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài.

Nhóm nghiên cứu chụp hình lưu niệm cùng các thành viên Hội đồng.
Phòng Khoa học và Công nghệ