Sinh viên khởi nghiệp với sản phẩm làm từ dược liệu
Lượt xem: 373
"Dược liệu ngâm chân bằng thuốc y học cổ truyền" là sản phẩm do nhóm sinh viên bộ môn y học cổ truyền Trường ĐH Y dược Cần Thơ bào chế nhằm hỗ trợ điều trị bệnh nhức mỏi.
Bùi Ngọc Bảo Trân, sinh viên ngành y học cổ truyền Trường ĐH Y dược Cần Thơ, cho biết sau giờ học trên giảng đường, Trân cùng các bạn trong nhóm đến Nông trại Xà No (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) thu hoạch dược liệu để bào chế ra túi lọc ngâm chân, hỗ trợ điều trị nhức mỏi.
Theo Trân, nhóm gồm 5 thành viên, đều học ngành y học cổ truyền. Ý tưởng khởi nghiệp này xuất phát từ dự án mang tên "Dược liệu ngâm chân bằng thuốc y học cổ truyền" mà nhóm mang đến cuộc thi "Sinh viên CTUMP với ý tưởng khởi nghiệp" do Trường ĐH Y dược Cần Thơ tổ chức vào tháng 9.2022.
Nhóm sinh viên sử dụng dược liệu bào chế thành túi lọc ngâm chân
DUY TÂN
"Tham gia cuộc thi, dự án đoạt giải ba. Giải thưởng không chỉ giúp nhóm có thêm động lực để khởi nghiệp với sản phẩm từ dược liệu mà còn nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường. Bộ môn y học cổ truyền đã đóng góp chuyên môn, đầu tư kinh phí mua dược liệu, trang thiết bị, làm bao bì sản phẩm để bán ra thị trường", Trân chia sẻ.
Trân và các bạn trong nhóm áp dụng kiến thức đã học để hiện thực hóa ý tưởng bằng cách sử dụng các loại dược liệu như: hương nhu, ngải cứu, lá lốt… để bào chế thành túi lọc để ngâm chân trị đau nhức xương khớp, mất ngủ, tay chân lạnh. Ngoài làm túi lọc dược liệu ngâm chân, nhóm còn phát triển thêm dịch vụ đi kèm là liệu trình xoa bóp, bấm huyệt bàn chân. "Theo y học cổ truyền, bàn chân là trái tim thứ 2 của con người nên nhóm sử dụng túi lọc ngâm chân và liệu pháp mát xa chân để đem lại hiệu quả tốt nhất", Trân cho biết.
Với giá thành sản phẩm khoảng 60.000 đồng/túi, mỗi túi có 10 túi lọc nhỏ nên mỗi lần sử dụng chỉ tốn 6.000 đồng. Riêng dịch vụ mát xa chân có mức giá 80.000 đồng.
Vừa qua, nhóm còn kết hợp một số sinh viên Trường ĐH Y dược Cần Thơ để thực hiện dự án khởi nghiệp mang tên "Chăm sóc sức khỏe bằng hương trị liệu, kết hợp xoa bóp, bấm huyệt". Sắp tới, nhóm sẽ phát triển dịch vụ mát xa chân trị liệu rộng ra các trường ĐH trên địa bàn; tiếp tục nghiên cứu làm ra các sản phẩm bột thảo dược, thay đổi mẫu mã, bao bì để giới thiệu sản phẩm rộng rãi ra thị trường.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoài Trang, giảng viên bộ môn y học cổ truyền, Trường ĐH Y dược Cần Thơ, đánh giá đây là một trong những dự án có tính áp dụng vào thực tế rất cao, tận dụng được nguồn dược liệu dồi dào ở địa phương và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Sản phẩm cũng đang được thầy cô, sinh viên nhà trường tin dùng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/sinh-vien-khoi-nghiep-voi-san-pham-lam-tu-duoc-lieu-185230313141524681.htm