Khai giảng lớp bác sĩ chuyên khoa cấp I – Lớp 9 thuộc Dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện vùng khó khăn”

12/01/2024

Lượt xem: 70

Ngày 12/1, tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Bộ Y tế tổ chức Lễ khai giảng lớp bác sĩ chuyên khoa I. Đây là lớp thứ hai được tổ chức tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và là mục tiêu của Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Dự Lễ khai giảng có đại diện Bộ Y tế, các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, đại diện Lãnh đạo Sở Y tế 05 tỉnh An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Đồng Tháp, Lãnh đạo các đơn vị Y tế tuyến huyện khó khăn, biên giới các Thầy cô hướng dẫn và 32 bác sĩ trẻ.


 

Lễ khai giảng lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I thuộc “Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

Tại Lễ khai giảng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên - Hiệu Trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết. Triển khai tốt Dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên, đến nay tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã khai giảng 2 lớp, với tổng số 62 bác sĩ (30 bác sĩ trong khóa học tháng 8/2022 và 32 bác sĩ khóa học tháng 1/2024). 32 học viên đợt này được đào tạo chuyên khoa cấp I thuộc 10 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Nội, Ngoại, Nhi, Xét nghiệm, Sản, Truyền nhiễm và Y học cổ truyền tại Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.

Học viên sẽ được đào tạo bài bản theo chương trình đặc biệt, một thầy kèm một trò theo hướng “Cầm tay chỉ việc” trong 24 tháng liên tục. Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sĩ trẻ sẽ công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện nghèo đã cử đi đào tạo.

Đây sẽ là đội ngũ bổ sung đắc lực cho nguồn nhân lực chất lượng cao ngành y tế khu vực Tây Nam Bộ. Điều này mang ý nghĩa rất to lớn trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt đối với các vùng còn nhiều khó khăn trong khu vực Tây Nam Bộ…

Trước khi trúng tuyển, học viên là các bác sĩ chính quy hoặc liên thông tốt nghiệp khá, giỏi đã được tuyển dụng viên chức làm việc tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện khó khăn, biên giới, hải đảo thuộc 5 tỉnh An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Đồng Tháp.

Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ khai giảng, Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia nhấn mạnh, “Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội. Triển khai tốt Dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Trong giai đoạn tới, ngoài việc hỗ trợ kinh phí đào tạo cho bác sĩ trẻ, Quỹ Thiện Tâm cũng sẽ xem xét, tài trợ máy móc, trang thiết bị thiết yếu cho các huyện khó khăn căn cứ vào nhu cầu triển khai các kỹ thuật của bệnh viện/TTYT đồng bộ với chuyên khoa đào tạo của Bác sĩ trẻ 585.

Là một trong 32 bác sĩ trẻ trúng tuyển trong đợt đào tạo lần này, Bác sĩ Phùng Hoàng Kham, hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, chuyên ngành Y học cổ truyền bày tỏ, bản thân rất vinh dự và tự hào là lớp bác sĩ trẻ hưởng lợi từ “Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” khi Dự án này triển khai tại vùng Tây Nam Bộ.

Đây là cơ hội quý giá để các bác sĩ trẻ hiện đang công tác tại tuyến y tế cơ sở vùng sâu vùng xa trau dồi thêm kiến thức, nâng cao tay nghề. Từ đó, các bác sĩ sẽ có thể đóng góp nhiều hơn, thiết thực hơn cho cộng đồng trong trọng trách chăm sóc sức khỏe người dân ở những nơi đời sống còn nhiều khó khăn.

Dự án 585 đã được Bộ Y tế triển khai từ năm 2014. Giai đoạn 1 (2014 - 2020) của Dự án đã có 354 bác sĩ được đào tạo, bằng nguồn Dự án “Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (HPET), do Ngân hàng thế giới và Liên minh Châu Âu tài trợ. Từ năm 2021, Dự án 585 tiếp tục triển khai bằng nguồn kinh phí do Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup tài trợ.

Ngày 26/2/2021, Ban Quản lý Dự án 585, Bộ Y tế và Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup đã ký thỏa thuận hợp tác tài trợ đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II cho các huyện miền núi đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Dự án 585 sẽ dành một phần kinh phí tài trợ máy móc, trang thiết bị thiết yếu cho các huyện khó khăn, căn cứ vào nhu cầu triển khai các kỹ thuật của bệnh viện, đồng bộ với chuyên khoa đào tạo của Bác sĩ trẻ 585.

Nguyên Trang